Ngăn chặn hàng chục nghìn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa kịp thời ngăn chặn hàng chục nghìn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, qua thời gian nắm tình hình hàng hóa nhập lậu, thông qua công tác quản lý địa bàn Đội QLTT số 4 đã phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Tùng Diễn, Phòng Cảnh sát Giao thông (PC 08) - Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 99C-133.25 vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thương mại.

Hàng chục nghìn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Hàng chục nghìn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 11 mặt hàng với tổng số 12.300 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng… có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nông Văn Tiến, địa chỉ: Thôn Ba Đàn, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là lái xe đồng thời là chủ hàng khai nhận mua số hàng trên từ chợ Bờ sông, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn vận chuyển về thành phố Hà Nội tiêu thụ.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, do tỉnh có đường biên giới dài lại có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cùng nhiều cặp chợ vùng biên, lối mòn biên giới, cho nên trong những năm qua tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật trên tuyến biên giới luôn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, do hoạt động nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật chỉ diễn ra theo kiểu xé lẻ hàng, rồi trà trộn, găm cắm giữa các hàng hóa khác để tuồn qua biên giới nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn.

Theo đó, thuốc nhập lậu gồm các loại: thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt chuột, thuốc kích thích tăng trưởng cây, con giống... Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vận chuyển thuốc lậu hết sức tinh vi, hàng hóa sau khi thẩm lậu qua biên giới thì được vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe đạp, xe máy tuồn sâu trong nội địa để găm cắm trên ô-tô, xe máy chở đi tiêu thụ.

Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu còn thẩm lậu dưới dạng trao đổi hàng hóa, giữa cộng đồng cư dân hai bên biên giới. Vì vậy, sau khi thuốc đã vào trong nội địa, người bán và người mua chủ yếu sử dụng theo công thức truyền miệng, gây ra hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, do thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu có giá rẻ, quy cách đóng gói dễ dàng sử dụng, gọn nhẹ trong vận chuyển.

Liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm diệt sâu, bệnh, cỏ dại, các côn trùng gây hại và động vật gậm nhấm để bảo vệ cây trồng, các kho lương thực hàng hóa…

Bên cạnh những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật đem lại cho ngành nông nghiệp thì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, môi trường cũng là một vấn đề cấp bách. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được kinh doanh, buôn bán và sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.

Đối với người, khi được sử dụng không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương (thiếu máu bất sản và loạn tạo máu); ảnh hưởng đến sinh sản (vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...); gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ: giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong. Do đó theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết.

Đối với môi trường xung quanh, thuốc bảo vệ thực vật diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Do đó để đảm bảo tốt nhất chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp thực sự cần thiết, tránh lạm dụng thuốc và chỉ dùng loại ít độc đối với người, gia súc.

Tất cả các thuốc bảo vệ thực vật phải đựng trong các chai, hộp, bao bì kín có đầy đủ nhãn hiệu, không giao cho một người nào cất giữ tại nhà mà phải có kho riêng biệt và sắp xếp ngăn nắp.

Kho thuốc bảo vệ thực vật phải ở nơi cao ráo, xa nhà dân ở, xa các nơi tập trung đông người như trường học, chợ, bến xe. Có quy chế bảo quản, phân phát thuốc bảo vệ thực vật thật chặt chẽ để tránh nhầm lẫn và sử dụng bừa bãi. Cần phải pha loãng thuốc đúng nồng độ quy định

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhap-lau-hang-chuc-nghin-san-pham-thuoc-bao-ve-thuc-vat-ve-ha-noi-tieu-thu-d181251.html