Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường: Bài 1: Nhìn từ thực tiễn

Tình trạng bạo lực học đường luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo và nhà trường, là sự trăn trở của toàn xã hội. Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận học sinh (HS) ngay trong môi trường học đường được cho là chuẩn mực.

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) - nơi một nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng phải nhập viện do chấn thương phần mềm hồi tháng 11-2020.

Con số đáng lo ngại

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển cùng mục tiêu xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên quan điểm, mục tiêu đó, cùng với các cấp, các ngành, ngành giáo dục đang tích cực thực hiện chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau đã đặt ngành giáo dục trước nhiều hệ lụy, nhiều tệ nạn nhức nhối len lỏi vào nhà trường gây bất ổn, lo lắng cho xã hội, trong đó có tình trạng bạo lực học đường.

Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ việc HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học; cứ khoảng trên 5.200 HS thì có một vụ đánh nhau, hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau... Đây là con số đáng lo ngại khi sự gia tăng các vụ bạo lực học đường đã phần nào phản ánh sự xuống cấp các giá trị đạo đức xã hội và ý thức tôn trọng pháp luật trong một bộ phận HS. Vẫn biết “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, thế nhưng, những vụ bạo lực học đường xảy ra trong những năm gần đây với mức độ nghiêm trọng, khiến dư luận không khỏi lo lắng. Điều đáng nói, những sự vụ bạo lực không chỉ xảy ra ở các HS nam, mà diễn ra khá phổ biến đối với HS nữ. Các em tham gia vào các vụ bạo lực đều không nghĩ đến hậu quả gây ra cho người khác, bản thân và xã hội. Nhiều HS hồn nhiên quay lại cảnh “xử” bạn, sau đó đưa lên mạng để chứng tỏ sức mạnh của một tập thể, phe phái...

Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây không ít vụ bạo lực học đường cũng đã xảy ra trong các nhà trường, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Đơn cử như trường hợp một HS Trường THPT Lê Lai (Ngọc Lặc) giết một giáo viên Trường Tiểu học Sông Âm, xã Nguyệt Ấn và đốt xác phi tang tại nhà riêng; hay như vụ việc 2 HS Trường THCS Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) dùng dao đâm chết bạn cùng trường vì mâu thuẫn cá nhân. Cuối năm 2019, một HS Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) bị một đối tượng 16 tuổi đã bỏ học đâm tử vong. Đầu năm 2020, một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Yên Hùng (Yên Định) bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng. Tháng 4-2020, 2 nhóm nữ sinh THPT ở 2 huyện Thường Xuân và Như Xuân vác gậy sắt đánh nhau giữa đường... Trung tuần tháng 11-2020, một nữ sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị một nhóm bạn đánh hội đồng phải nhập viện điều trị do chấn thương phần mềm. Sau đó ít ngày, một nữ sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Xương 4 (Quảng Xương) bị bạn cùng trường cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu và bắt quỳ để xin lỗi... Và, gần đây nhất, ngày 14-1-2021 một nam sinh của Trường THPT Lang Chánh đã bị bạn cùng trường dùng gậy sắt hành hung vỡ sọ não... Những vụ việc trên không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe đối với HS mà còn là mối lo cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Đi tìm nguyên nhân

Qua tìm hiểu thực tế được biết, nguyên nhân của bạo lực học đường trước hết xuất phát từ chính bản thân mỗi HS. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, ở giai đoạn 12 đến 17 tuổi, HS cấp THCS, THPT có sự chuyển biến lớn về mặt tâm lý. Đặc biệt, với cái tôi cá nhân quá cao trong giai đoạn này, nên chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài, những mâu thuẫn nhỏ cũng khiến các em có hành vi lệch chuẩn dẫn đến bạo lực học đường. Nhìn lại một số vụ việc xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh, phần lớn đều bắt nguồn từ mâu thuẫn trong lời nói, những bình luận trên mạng xã hội... mà ở đó người gây nên những vụ việc cho rằng, đối phương nói xấu mình. Liên quan đến vụ việc nữ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị đánh hội đồng, thầy giáo Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa), cho biết: Xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng có và có thể bỏ qua cho nhau, thế nhưng các em lại đẩy mâu thuẫn thành cao trào và cuối cùng là xảy ra những vụ ẩu đả. Rất đáng tiếc là trong sự việc nữ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi bị đánh hội đồng, Trường THCS Lê Lợi có 1 HS liên quan.

Cùng với nguyên nhân trên, nhiều người cho rằng, tình trạng bạo lực học đường cũng xuất phát từ phía nhà trường. Không ít cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh đều có chung nhận định, môn Đạo đức ở tiểu học hay Giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, THPT (gọi chung là môn GDCD) là môn học đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho HS. Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng so với các môn học khác, thời lượng dạy học của môn GDCD lại khá khiêm tốn, chỉ 1 tiết/tuần, tương đương với 35 tiết/năm. Về nội dung, môn học này vẫn nặng về lý thuyết, thiếu sự gắn liền với thực tế đời sống và không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS. Nhiều kiến thức mang tính triết học, hàn lâm, mang tính áp đặt, nhồi nhét, khô cứng, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đúng đắn, khiến HS dễ bị tác động của hoàn cảnh xã hội. Chưa kể, còn có những giáo viên kiêm nhiệm thường lấy giờ dạy Đạo đức, GDCD để dạy các môn học khác. Có một thực tế hiện nay là những người được Đảng và Nhà nước giao trọng trách “trồng người” đang nghiêng về dạy chữ và xem nhẹ dạy người, chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, chưa tập trung uốn nắn, chỉnh sửa những sai trái của HS.

Từ góc độ gia đình cho thấy, phụ huynh ít quan tâm, không dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, chưa có sự giáo dục đúng đắn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực ở trẻ. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT, nếu gia đình không có sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của bố mẹ, gia đình rạn nứt, cha mẹ có hành vi bạo lực, vi phạm các quy tắc, chuẩn mực... sẽ là tiền đề khiến các em có xu hướng gia nhập vào nhóm bạn xấu, hình thành nên các hành vi bạo lực, đánh bạn, sa vào các tệ nạn xã hội... Tuy nhiên, không thể nghiêng hết phần lỗi về phía gia đình, từ góc độ xã hội, việc HS dễ dàng tiếp xúc với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực, rồi chính cái tôi cá nhân quá cao... cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường dễ nảy sinh và phát triển nhanh chóng.

Thực tế trên cho thấy, để giải quyết tình trạng bạo lực học đường trong giai đoạn hiện nay, cần phải có cái nhìn và nhận thức đúng đắn cùng sự quyết tâm cao độ của toàn ngành giáo dục, của các cấp liên ngành. Không phải đến khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường chúng ta mới bàn đến câu chuyện giải pháp. Vấn đề đặt ra là phòng, chống phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa học đường, từ xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Bài 2: Cần giải pháp căn cơ.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/ngan-chan-day-lui-tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-bai-1-nhin-tu-thuc-tien/130851.htm