Ngăn chặn chợ 'cóc' hoạt động trở lại

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mạnh tay xử lý, giải tỏa hàng rong, chợ 'cóc' để phòng, chống dịch Covid-19, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song gần đây, hiện tượng họp chợ trái quy định có biểu hiện tái diễn. Để duy trì kết quả đã đạt được, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm, trả lại môi trường đô thị văn minh, sạch, đẹp.

Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) giải tỏa vi phạm tại chợ “cóc” phố Khúc Thừa Dụ.

Tái diễn chợ "cóc", chợ tạm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, ngay sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều chợ “cóc” đã xuất hiện trở lại. 9h sáng 8-3, tại phố Hòe Nhai (quận Ba Đình), vỉa hè bị chiếm dụng bởi hơn 10 hàng rong bày la liệt đồ ăn sẵn, được chế biến ngay tại chỗ. Dưới lòng đường là rất nhiều ô tô, xe máy dừng đỗ san sát để giao dịch mua bán. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn không bảo đảm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại đường Trần Bình (quận Nam Từ Liêm), tình trạng các hàng rau, thịt gia súc, gia cầm, hoa quả… bày bán ở lòng đường, vỉa hè khá phổ biến. Chị Nguyễn Thanh Thúy, cư dân tòa nhà Dolpin Plaza, phố Trần Bình, cho biết, đây là một chợ thu nhỏ với đủ mặt hàng, tuy tiện lợi nhưng rất mất mỹ quan đô thị.

Cũng từ khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, tại phố Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), hàng chục cửa hàng kinh doanh ở lề đường, vỉa hè từ thức ăn sống, chín đến rau củ, quả lại tái xuất. Chị Trần Tuệ Linh, phố Bạch Đằng, cho biết, rác từ việc người bán hàng nhặt rau, gọt củ, quả cho khách cộng với nước thải từ việc giết mổ gà, vịt chảy ra lề đường rất mất vệ sinh.

Chợ “cóc” Cầu Mới, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) tiếp tục là tụ điểm kinh doanh tự phát, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương tự, tại tuyến đường nối từ thôn Cổ Điển, xã Hải Bối (huyện Đông Anh) hướng về chân cầu Thăng Long, có hàng chục quầy hàng bán thực phẩm, hàng thiết yếu được bày bán la liệt trên các tấm bạt cũ kỹ. Các loại gia cầm được giết mổ ngay tại chỗ.

Nguyên nhân tồn tại chợ “cóc” là do nhiều phường không có chợ dân sinh, hoặc có chợ nhưng xuống cấp, không thuận tiện với người dân. Bên cạnh đó, "chợ cóc" sớm tái diễn còn là do thói quen tùy tiện dừng xe mua bán của người dân. Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Anh Phương cho biết, do kế sinh nhai nên nhiều người kinh doanh sẵn sàng nộp phạt hoặc chấp nhận bị thu giữ đồ. Khi lực lượng chức năng đi khỏi thì vi phạm lại tái diễn.

Người dân lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ gây cản trở giao thông tại phố Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng).

Cần nhiều giải pháp căn cơ

Trước những khó khăn nêu trên, chính quyền các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để xóa bỏ chợ “cóc”. Về ngắn hạn, theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Lăng, phường triển khai tuyên truyền bằng loa truyền thanh di động, tổ chức ra quân hằng ngày để nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tính từ đầu tháng 2-2021 đến nay, 118 trường hợp để xe ô tô, xe máy lấn chiếm lòng đường để mua, bán hàng hóa, 26 hàng rong bán hàng dưới lòng đường đã bị xử phạt.

Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Trịnh Thế Lộc cũng cho biết, từ tháng 2-2021 đến nay, lực lượng của phường đã xử phạt 61 trường hợp kinh doanh sai quy định và hơn 30 xe máy dừng đỗ dưới lòng đường để mua, bán. Ngoài ra, phường cũng tăng cường tuyên truyền, vận động các trường hợp có nhà cho thuê và phối hợp gửi thông báo đến nhân dân trong khu vực để chấp hành việc giải tỏa chợ “cóc” tại phố Cầu Mới. Còn Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải thông tin, quận yêu cầu UBND phường Mỹ Đình 2 phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Công an quận tổ chức ra quân kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lập chợ “cóc”, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị tại địa bàn.

Về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn chia sẻ, bên cạnh chỉ đạo các phường tiếp tục đôn đốc, giải tỏa, chống tái vi phạm tại 27 chợ “cóc”, quận đã yêu cầu các đơn vị quản lý, sắp xếp 11 chợ tạm trên địa bàn để phục vụ nhân dân. Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc, UBND huyện đang nghiên cứu, tiến tới bố trí đủ mạng lưới các chợ phù hợp quy hoạch tại địa bàn xã Hải Bối và các xã khác của huyện.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, UBND các quận, huyện, thị xã cần rà soát quỹ đất, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi xóa bỏ chợ "cóc", sẽ có chợ dân sinh phục vụ nhân dân. Đồng thời, Sở Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở thêm siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới..., phân phối hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả, giúp người tiêu dùng từ bỏ thói quen mua hàng không rõ xuất xứ tại các điểm bán hàng tự phát.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993180/ngan-chan-cho-coc-hoat-dong-tro-lai