Ngăn chặn 'cát tặc' đang hoành hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Thời gian gần đây, tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp. Hàng loạt vụ việc bị BĐBP thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ cho thấy quyết tâm rất lớn của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn 'cát tặc' đang hoành hành trên địa bàn.

Phương tiện khai thác cát trái phép bị Đồn Biên phòng Long Hòa, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ. Ảnh: Lương Kiểm

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Từ năm 2013 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh không cấp bất kỳ giấy phép nào về khai thác cát trên địa bàn. Tuy nhiên, trên vùng biển Cần Giờ, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Những “điểm nóng” về khai thác cát trái phép tập trung chủ yếu ở khu vực Cồn Ngựa (giáp ranh các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực tuyến sông Sài Gòn tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai. Các phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép chủ yếu hoạt động vào ban đêm, thường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Theo Thượng tá Trần Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh thì trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận, do nhu cầu sử dụng cát xây dựng, san lấp rất lớn, mặt khác, lợi nhuận từ khai thác cát trái phép thu về rất cao, nên hoạt động này diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm và có lực lượng cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì lập tức thông báo cho nhau chạy trốn trong các kênh, rạch hoặc chạy về phía địa bàn các tỉnh giáp ranh ẩn náu chờ thấy an toàn mới quay trở lại tiếp tục hoạt động. Các đối tượng này cũng rất liều lĩnh, sẵn sàng đánh chìm phương tiện để tẩu thoát hoặc có những hành vi chống đối lực lượng chức năng khi bị bắt giữ, xử lý.

Trong năm 2017, BĐBP thành phố đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 8 vụ với 22 đối tượng, 22 phương tiện, tịch thu gần 12.800 mét khối cát. Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2017, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ với 14 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép; thu giữ 14 phương tiện, tịch thu 36 máy bơm hút cát, 900 mét ống nhựa, hơn 2.400 mét khối cát; xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ với 11 đối tượng với số tiền trên 332 triệu đồng.

Đáng chú ý, vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất năm 2018, tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong 3 ngày 13, 14 và 15-1, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 4 vụ, tạm giữ 10 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép với tổng khối lượng lên đến gần 2.000 mét khối. Điển hình, vào lúc 19 giờ, ngày 15-1, tàu của Hải đội 2, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tuần tra, phát hiện trên khu vực biển Cần Giờ có 4 tàu gồm: BV-2979 do Ngô Trí Tuấn (33 tuổi, trú tại Long Thọ, Nhơn Trạch, Đồng Nai) điều khiển; HD-2479 do Vũ Ngọc Cương (31 tuổi, trú tại Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương) điều khiển; SG-6986 do Nguyễn Văn Quang (40 tuổi, trú tại Hải Thành, Kinh Dương, Hải Phòng) điều khiển và HP-3963 do Lê Văn Cảnh (34 tuổi, trú tại Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai) điều khiển đang khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã hút được khoảng 85 khối cát, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số cát trên và giấy tờ hợp pháp của những người làm việc trên phương tiện.

Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 13,14-1, Hải đội 2 cùng các Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Đồn Biên phòng Long Hòa đã bắt quả tang 3 vụ, tạm giữ 6 phương tiện đang có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép trên khu vực biển Cần Giờ với tổng khối lượng lên đến 1.900 mét khối.

Những vụ việc trên cho thấy sự kiên quyết của lực lượng Biên phòng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn chưa thể chấm dứt nạn “cát tặc” đang hoành hành trên địa bàn trong thời gian gần đây.

Đồn Biên phòng Long Hòa, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra phương tiện vi phạm. Ảnh: Lương Kiểm

Thượng tá Trần Thanh Đức cho biết thêm: Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung và các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép nói riêng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Mặt khác, đơn vị tham mưu UBND thành phố duy trì hiệu quả hoạt động của cơ quan liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển, kinh doanh và khai thác cát trái phép.

“Một trong những biện pháp mang tính lâu dài mà BĐBP thành phố đã triển khai thực hiện, đó là tích cực và kiên trì tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực cùng các cơ quan chức năng phòng chống hoạt động khai thác cát trái phép. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác biên phòng, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An trong công tác nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực cửa khẩu cảng và vùng biển của thành phố” - Thượng tá Đức chia sẻ thêm.

Nguyễn Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngan-chan-cat-tac-dang-hoanh-hanh-tren-dia-ban-tp-ho-chi-minh/