Ngăn chặn bạo lực học đường: Phòng hơn chống

Bạo lực học đường (BLHĐ) không phải là vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ lâu. BLHĐ không chỉ có ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và trở thành vấn đề xã hội. Vì vậy, nhà trường, gia đình và xã hội phải cùng chung tay để phòng chống BLHĐ, trong đó cần nhấn mạnh phòng hơn chống.

Tất cả các biểu hiện của BLHĐ đều gây thương tích cho người bị bạo lực (Ảnh minh họa/Internet).

Tất cả các biểu hiện của BLHĐ đều gây thương tích cho người bị bạo lực (Ảnh minh họa/Internet).

GV chủ nhiệm là nhân lõi giải quyết vấn đề

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - nguyên Chủ nhiệm khoa GD, Trưởng phòng Sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục): Thống kê năm 2018 của Bộ Công an có hơn 2.000 vụ BLHĐ, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong nhà trường. Thông thường BLHĐ giữa HS với nhau có những biểu hiện như: Gây hấn, đánh nhau, miệt thị, hành hung.

Tất cả các biểu hiện của BLHĐ đều gây thương tích cho người bị bạo lực. Có thể thương tích về thể xác hoặc thần kinh như hoảng loạn, lo lắng, trăn trở, thậm chí là sang trấn tâm lý. Nguyên nhân chủ yếu là từ phía HS, gia đình, nhà trường và xã hội. “Như vậy nhà trường chỉ là một trong những nguyên nhân nhưng tại sao tất cả mọi việc đều đổ hết cho nhà trường. Cần phân tích khoa học để nhìn nhận lại thực trạng để đồng hành ngăn chặn BLHĐ” - PGS Trần Thị Minh Hằng nêu vấn đề.

PGS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, đối với HS (từ tiểu học đến THPT), ở lứa tuổi này, đặc điểm tâm lý của các em đang phát triển, nhân cách chưa định hình, các giá trị đang bị trao đổi. Các em chưa phân biệt rõ biệt thiệt – hơn. Nói cách khác là hệ giá trị chưa ổn định, do đó các em thích thể hiện, thích hơn người… và cái tôi của các em quá lớn. Trong khi nhà trường thường tập trung trang bị kiến thức, còn GD cho HS giá trị sống, tinh thần nhân văn và biết chấp nhận sự khác biệt vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Về phía gia đình, hiện nay có 2 xu hướng: Thứ nhất là quá buông lỏng quản lý, quá lo kiếm tiền và cứ nghĩ có tiền đưa cho con là xong. Thứ hai là quá coi trọng trẻ và luôn thỏa mãn các nhu cầu của con. Đôi khi có sự việc xảy ra, phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ đã vội bênh vực con mình. Vô hình chung đã tạo cho con mình tính cách hiếu thắng, luôn coi mình là nhất và khi có người khác phản ứng lại sẽ dẫn đến xung đột. Đấy là chưa kể xã hội hiện nay có nhiều tệ nạn ảnh hưởng tiêu cực đến HS.

Khẳng định phòng chống BLHĐ là trách nhiệm không chỉ của nhà trường mà còn là của gia đình và toàn xã hội; PGS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh: Đối với nhà trường, cần sự chủ động, tích cực từ lãnh đạo, đến giáo viên (GV), nhất là GV chủ nhiệm lớp. “Chúng tôi coi GV chủ nhiệm là nhân lõi của vấn đề. Bởi GV chủ nhiệm sẽ thay cha mẹ, điều hành và quán xuyến HS khi ở trường. Vì thế GV chủ nhiệm cần được trang bị kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề. Đồng thời cần xây dựng được mạng lưới thông tin viên để họ trao đổi với mình khi có biểu hiện của BLHĐ để ngăn chặn kịp thời” - PGS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS nhằm ngăn chặn tình trạng BLHĐ (Ảnh : Sỹ Điền)

Giải tỏa những xung năng tiêu cực

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học GD (Trường ĐH GD - ĐHQG Hà Nội), BLHĐ thường xảy ra ở lứa tuổi HS từ 11 - 18 tuổi. Đây là lứa tuổi vị thành niên nên các em có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Do đó, việc đầu tiên là hóa giải cảm xúc, những xung năng tiêu cực của các em. Cái này không khó, bởi GD đã và đang chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của HS.

PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng, để giải tỏa những xung năng tiêu cực trước mắt cần dạy tốt môn Thể dục và Giáo dục công dân. Hai môn này dễ làm nhất và nhà trường hoàn toàn có thể chủ động việc dạy – học. Ngoài ra, trong giờ chào cờ, các trường cũng cần thay đổi nội dung và hình thức, có thể lồng ghép những câu chuyện có thật để chuyển hóa cảm xúc cho HS.

Quan ngại về tình trạng BLHĐ, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho hay: Trước kia BLHĐ thường xảy ra ở ngoài nhà trường, nay xảy ra ngay trong trường học, lớp học, thậm chí là giữa giờ học. Có nhiều nguyên nhân, có thể là do cách nhìn, cách ăn mặc cũng có thể gây nên xung đột giữa HS này với HS khác hoặc nhóm bạn này với nhóm bạn khác…

Theo kinh nghiệm quản lý của thầy Bình, để phòng chống BLHĐ, hiệu trưởng phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm và đánh giá được đặc điểm tình hình nhà trường. Cụ thể, cần phân loại được HS, nhóm nào nguy cơ bị bắt nạt và nhóm nào có thể đi bắt nạt, gây bạo lực. Sau đó cần xây dựng kế hoạch tác nghiệp riêng hoặc xây dựng trong chương trình công tác của năm học.

Ngoài ra, nhà trường nên thành lập Ban quản lý về BLHĐ để nắm bắt những vấn đề xảy ra trong nhà trường. Cần phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong việc kiểm soát và ngăn chặn BLHĐ. Đồng thời sử dụng các phương tiện hỗ trợ như loa phóng thanh, camera và thành lập mạng lưới cộng tác viên, trong đó có các chủ “quán cóc” để khi có sự việc xảy ra họ sẽ báo cho nhà trường.

Đặc biệt, nhà trường phải gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng cho HS. “Tôi thường dành tuần học đầu tiên của năm học để thực hiện việc này, còn trong năm học sẽ tổ chức lồng ghép thông qua các hoạt động GD. Chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải phân loại được HS để có biện pháp GD phù hợp. Quan điểm của tôi là lúc nào cũng phải có người quan sát và giám sát HS của mình” - thầy Bình chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-phong-hon-chong-3999368-b.html