Ngẫm về chuyện 'Vượt Vũ môn' EVFTA, EVIPA của Việt Nam

Tròn 7 năm sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), 'đường cao tốc' hội nhập ra thế giới của Việt Nam tiếp tục 'hợp long' thêm một cây cầu mới. Mà với cây cầu ấy, những cơ hội, lợi ích tiếp tục được bổ sung cho nền kinh tế là không thể bàn cãi.

EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng – là những chủ thể hưởng lợi ở cả hai phía. Các hiệp định chất lượng cao này còn giúp các thành tố trong nền kinh tế nâng cao các tiêu chuẩn lên tầm quốc tế, đặc biệt về bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo vệ môi trường…là những yếu tố mang tính cốt lõi.

Cùng với các FTA khác đã được Việt Nam đàm phán, ký kết, cũng như thực thi, EVFTA và EVIPA là minh chứng rõ nét, khẳng định tính toàn diện và sâu rộng của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần gia tăng hiệu ứng tích cực trên con đường hội nhập quốc tế của đất nước, gắn kết chặt chẽ với thế giới. Từ đó giúp nền kinh tế đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định.

Bên cạnh đó, các Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi có hiệu lực. Đây là một điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển của doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ các công đoạn gia công lắp ráp, chuyển dần lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó đưa nền kinh tế bước sang trình độ phát triển mới, phát triển công nghệ cao, tăng trưởng xanh và bền vững...

Tuy nhiên, với một thỏa thuận được gọi là “nhiều tham vọng nhất” từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi, một cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ, là thách thức không nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn, khi so sánh về “tương quan lực lượng” chúng ta đều không thể ngang bằng, từ trình độ lao động, quản trị doanh nghiệp,…đến quy mô nền kinh tế...

Doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi từ việc cắt giảm thuế quan nhưng châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, chặt chẽ về pháp luật đầu tư... Do đó, việc đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với một đối tác châu Âu, tận dụng được ưu đãi, là một thách thức cam go. Nhưng nếu làm được thì “phần thưởng” cũng lớn không kém nỗ lực bỏ ra.

EVFTA và EVIPA đã được ký kết, nhưng vẫn còn thử thách cuối cùng chính là cuộc bỏ phiếu quyết định của Nghị viện châu Âu. Việc quan trọng nhất trong các nỗ lực ngoại giao sắp tới là nêu bật những lợi ích của EVFTA để đảm bảo rằng, hiệp định sẽ được phê chuẩn và thực thi sớm nhất có thể. Sớm ngày nào, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam và châu Âu sẽ được hưởng lợi sớm ngày đó.

Một vị chuyên gia đã ví von cách Việt Nam vượt qua các thử thách trong đàm phán với EU giống như “vượt Vũ môn”. Bởi Việt Nam đã vượt qua được chính bản thân mình về mặt năng lực, trình độ, để xử lý tất cả các vấn đề liên quan với những cam kết rất cao, với một đối tác “nặng ký hơn”…. Thế giới đã đánh giá trình độ phát triển của Việt Nam ở một cấp độ cao hơn, với tâm thế đó, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, vượt Vũ môn cá chép sẽ hóa rồng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngam-ve-chuyen-vuot-vu-mon-evfta-evipa-cua-viet-nam-97007.html