Ngắm sóng biển nhớ tử thần Linda

Những ngày qua, các tờ báo đã in đậm thông tin về một cơn áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vùng biển Cà Mau. Và cơn áp thấp nhiệt đới này đã gợi hồi ức kinh hoàng về bão Linda cách đây tròn 20 năm về trước đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 ngư dân. Tôi từng chứng kiến một ngư dân sống sót từ bão Linda trở về luôn bị ám ảnh bởi cơn bão tử thần đó đã biến vùng biển phía Nam trở thành nghĩa địa với xác người và gỗ ván trôi khắp mặt biển.

Ông Lê Quang Suông hào hứng với những mẻ lưới đầy ắp cá. Ảnh: Văn Chương

Mờ sáng, trên chiếc tàu QNa 91327 TS của ngư dân Quảng Nam đang nằm giữa biển phát ra tiếng sóng bập bùng vỗ vào thân tàu với âm thanh khác thường so với những ngày trước. Đó là tiếng sóng lẫn với tiếng rít ào ào của gió biển. Ở giữa Biển Đông, khi đài báo áp thấp nhiệt đới thì biển hiền hòa lập tức đổi “tính nết”. Lúc đó, những ô cửa sổ hình ô van chạy dọc thân tàu đã trở thành lỗ tạo ra những âm hưởng khác thường trên giàn âm thanh của gió. Thỉnh thoảng, tiếng gió tạo ra những âm thanh vang rền và hơi kéo dài như tiếng của một vật nặng kéo trên mái tôn.

Ngư dân làm nghề đánh lưới rút thường ngủ vào lúc 20 giờ hôm trước, đến 3 giờ sáng hôm sau thì thức giấc hò dô kéo lưới. Nhưng lúc 1 giờ sáng, trên hành lang phía trước ca-bin tàu QNa 91327 TS có một bóng người đang ngồi thu mình, trên tay lập lòe điếu thuốc. Đó là ông Lê Quang Suông, nhân viên hướng dẫn ngư dân sử dụng máy dò quét cá Furuno của đơn vị cung cấp thiết bị. Ông Suông có nhiệm vụ đi theo những tàu cá ít nhất một phiên để hướng dẫn cách sử dụng máy móc do đơn vị cung cấp. Ông đi đến hầu hết các vùng biển của Việt Nam và đã theo ngư dân ra tới vùng biển ngoài Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc bộ... Có những đêm, ông chứng kiến ngư dân tiến sát đảo Hoàng Sa và âm thầm đánh cá rồi trở ra vào lúc bình minh.

Những ngày đi trên tàu cá QNa 91327 TS, từ lúc nghe tiếng cô phát thanh viên vang lên trong ca-bin thông báo: “Ngư dân chú ý, vùng biển Hoàng Sa sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới...” thì ông Suông có vẻ trầm ngâm và trong ánh mắt hiện ra màu bàng bạc, nét mặt thoáng chút ưu tư. Cơn áp thấp nhiệt đới được dự báo trong những ngày tới có thể chỉ đủ sức “gãi ngứa” đối với chiếc tàu vỏ thép 67 vững chãi. Nhưng thông tin đó đã kéo người công nhân này trở về rất nhanh với hồi ức từng là một ngư dân cầm lái con tàu chạy ngược trở ra khi bão Linda năm 1997 đổ vào bờ và cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 ngư dân ở các tỉnh phía Nam.

Ông Lê Quang Suông, sinh năm 1965, quê ở xã Tam Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trước đây, ông từng là một ngư dân lăn lộn với sóng gió biển khơi. Thời điểm trước khi xảy ra bão Linda năm 1997, các ngư dân ở phía Nam như ông có cuộc sống khá êm ả, Cà Mau là “đất trăm năm không có bão”, bão chỉ đổ vào miền Trung. Mặt trái của sự may mắn, đó là ngư dân Cà Mau không có nhiều kinh nghiệm chống chọi và thoát hiểm khi có bão, nhiều người dân cứ lắc đầu không tin rằng vùng biển này có bão, hơn nữa, tàu cá của họ cũng rất thô sơ. Trưa 2-11-1997, tâm bão Linda đi qua khu vực phía Nam của Côn Đảo với sức gió giật cấp 10-12 và đêm hôm đó, tử thần Linda đã tiến thẳng vào vùng biển Cà Mau, Bạc Liêu với sức gió giật cấp 8, cấp 9. Cơn bão này còn tiếp tục hoành hành và đi qua vùng biển Kiên Giang, vịnh Thái Lan.

Trong lúc bão ào ạt đổ vào đất liền, nhiều tàu cá đã cắm đầu chạy hết công suất vào bờ. Có những ngư dân thoát được vào đất liền thì bỏ lại tàu cho bão đập nát. Nhưng cũng có những tàu chạy sát bão đã cố cho tàu chạy vào bờ và bị bão “rượt đuổi” rồi vùi dập. Giữa lúc sinh tử đó, ông Suông quyết định cho tàu đang ở vùng ảnh hưởng của bão quay đầu ra khơi, con tàu bị vùi dập tơi tả trong bão tố. Ngồi rít điếu thuốc vào lúc nửa đêm trên boong tàu cá của ngư dân Quảng Nam, ông Suông cho rằng, “quyết định một chết, một sống” cách đây 20 năm đã cứu được toàn bộ anh em bạn trên tàu và ông mới còn sống sót.

Sau lần thoát chết đó, ông Suông giải nghiệp và đi làm nghề trên bờ. Nhưng sau 8 năm, ông Suông quay trở lại bằng nghề theo tàu ra khơi hướng dẫn sử dụng thiết bị hàng hải của Công ty điện tử viễn thông Hải Đăng. Đây là công việc đã giúp ông có mặt ở hầu hết các vùng biển từ Bình Định tới Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng... Trong đó có cả những vùng biển nguy hiểm và dễ bị tàu nước ngoài đe dọa rượt đuổi và bắt giữ như ở Hoàng Sa.

Nghề hướng dẫn sử dụng thiết bị hàng hải của ông Suông gắn liền với ngư dân trên tàu cá. Ảnh: Văn Chương

Suốt 7 năm đi khắp đất nước và có mặt trên các tàu ngư dân, ông Suông may mắn được đi với nhiều thuyền trưởng giỏi nhất, trong đó có 1 năm đi với những thuyền trưởng giỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khi đi với những con tàu này, ông Suông đã học thêm được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về biển, ông cho rằng, “nói về kinh nghiệm thì mỗi vùng đều khác nhau và mỗi ông thuyền trưởng đều có cách đánh cá của mình”. Những kinh nghiệm đó được ông Suông mang đi “san sẻ” với ngư dân ở các tỉnh có trình độ đánh bắt thấp.

Đi với ngư dân, ông Suông luôn hào hứng cùng những mẻ lưới. Trong chuyến đi với tàu cá QNg 94713 TS của ông Trương Văn Chính, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, Thuyền trưởng sốt ruột lao xuống kéo lưới với ngư dân, vì sợ bịch lưới mấy chục tấn cá sẽ vỡ. Lúc đó, ông Suông trở thành thuyền trưởng, cầm lái điều khiển tàu chạy tới, lui để các ngư dân thu cho hết cá.

Hiện nay, thời tiết trên biển thay đổi, nên ít có chuyến biển nào êm ả từ đầu tới cuối. Có khi đánh cá được vài ngày thì xuất hiện cơn áp thấp nhiệt đới, rồi đài báo có bão thì thuyền trưởng phải hối hả cho tàu chạy né tránh chứ không vô bờ; còn nhẹ và thường xuyên nhất là giông biển xuất hiện đột ngột rồi quăng quật tơi bời. Và cứ mỗi khi trời nổi gió, ông Suông lại lẳng lặng với điếu thuốc, vì gió biển lại kéo hồi ức cũ của ông trở về với những giây phút sống chết trong cơn bão tử thần mang tên Linda.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngam-song-bien-nho-tu-than-linda/