Ngẫm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp và Nhà thờ Bùi Chu của Việt Nam đang trong hai trạng huống khác nhau. Một cái bỗng dưng cháy và phải phục chế phần biến hoại. Ròng rã 759 năm mà nó vẫn vững vàng tới mức có ý tưởng, nhân cuộc phục chế sắp tới, biến toàn bộ mái nhà thờ thành pin mặt trời và dưới là vườn rau khổng lồ.

Một tháp của Notre Dame đổ sụp trong hỏa ngục Nguồn: news.com.au

Một tháp của Notre Dame đổ sụp trong hỏa ngục Nguồn: news.com.au

Còn Bùi Chu mới 134 tuổi mà Michael Croft đến từ UNESCO cảnh báo “quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ xuống cấp nghiêm trọng”. Song cái lý vô hình để vun trồng cả hai “pháo đài” cứ như thể trích ra từ một khuôn đúc: niềm tin. Nó là một trạng thái mà M.Croft khuyến nghị hãy tôn trọng giáo dân Bùi Chu hơn là các kiến trúc sư đầy tri thức. Phải chăng chuyên gia UNESCO đặt niềm tin cao hơn lý tính? Hãy đồng hành cùng Tiền Phong để thử hóa giải hoài nghi thú vị này.

Kỳ 1 - Từng bạo liệt

Paris của Pháp từng là nơi phán xét tôn giáo đầy kịch tính. Cơ Ðốc Giáo bị tấn công không khoan nhượng trong cách mạng tư sản 1789, dấu mốc mở đầu cho sự sụp đồ của nền quân chủ trên khắp thế giới.

Gần như ngay sau cuộc cách mạng đầu tiên 1789, thời khoảng hai năm 1793 và 1794 được các nhà sử học gọi là Triều đại Khủng bố (La Terreur). Vẻn vẹn chớp mắt ấy của lịch sử, tân chính quyền cách mạng xóa sổ gần như hoàn toàn Cơ Đốc Giáo Pháp bằng việc quốc hữu hóa hầu hết tài sản nhà thờ, trục xuất 30.000 thầy tu và các lãnh đạo tôn giáo. Đấy là chưa kể hàng trăm linh mục bị sát hại trong số 2.639 người ở Paris và 16.594 người trên toàn quốc bị tử hình.

Notre-Dame de Paris (sau đây gọi tắt là Nhà Thờ) được xử lý theo cách đặc biệt. Các nhà cách mạng giao nó cho Giáo phái Lý tính (Cult of Reason), giáo phái vô thần đầu tiên được nhà nước Pháp cấp phép hoạt động. Không lâu sau, người ta đẩy nó sang Giáo phái Tồn tại Tối cao (Cult of Supreme Being), tôn giáo hữu thần được dựng lên trong cuộc cách mạng để thay thế tôn giáo hiện tồn. Trong quãng “lưu lạc” ấy, nhiều báu vật của Nhà Thờ bị phá hoặc đánh cắp. Có 28 bức tượng vua được phong thánh ở mặt tây Nhà Thờ, trừ tượng của các vua Pháp, bị chặt đầu. Nhiều chuông lớn đem nấu chảy. Còn Nhà Thờ được làm kho chứa thực phẩm cùng các vật tư phi tôn giáo.

Hành động ấy được chuẩn bị từ lâu về mặt lý luận bởi phong trào Khai Sáng (Enlightenment Movement) Pháp vốn đề cao lý tính cực đoan. Nữ giáo sư sử học Lynn Hunt ở Đại học California và nhà sử học Jack Censer ở Đại học George Mason (đều còn sống) cho rằng chính các nhà Khai Sáng đã nhen lửa thù địch tôn giáo.

Tư tưởng gia Jean Jacques Rousseau (1712-1778) nói với dân chúng Pháp “bao nhiêu người đã nhét đầy vào đầu họ những thứ vô dụng trong khi hàng đống người đói khát đang cần những thứ thiết yếu”. La Mettrie (1709-1751) tuyên bố “tôn giáo không cần cho khoa học”. Denis Diderot (1713-1784) bảo tôn giáo là một trong hai sợi dây thắt cổ. Còn nhà vô thần Baron d’Holbach (1723-1789), mất vào đúng năm xảy ra cách mạng tư sản, định nghĩa “thần học là khoa học mang tính thần thánh dạy chúng ta suy nghĩ về những cái mà chúng ta không hiểu và làm chúng ta mất quan niệm rõ ràng về những điều mà chúng ta có thể hoàn toàn hiểu”.

Có một vài nhà Khai Sáng bài tôn giáo không muốn đi quá giới hạn. Nằm trong số đó có Voltaire (1694-1778), tác giả cuốn Từ điển Triết học lừng danh hồi đó và cả hôm nay. Ông phản tỉnh: “Hết thảy chúng ta thực ra là yếu đuối và sai lầm; chúng ta hãy cùng tha thứ cho nhau hành động điên rồ của mình… bất cứ ai ngược đãi người khác, chỉ vì không đồng quan điểm, đều là quỷ dữ”. Nhiều nhà sử học mãi sau này mới nhận thấy phủ nhận Cơ Đốc Giáo là thiếu sáng suốt, một trong những nguyên nhân khiến Pháp rơi vào hỗn loạn. Suốt trăm năm, từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, Pháp trở thành nơi bất ổn điển hình ở châu Âu. Sau cách mạng 1789-1794 là xung đột và chiến tranh cục bộ trên khắp châu lục liên miên hơn 10 năm (1803-1815) do Napoleon Bonaparte cầm đầu. Đấy là chưa kể hàng loạt biến cố khác đều ở trong nước.

Biểu tình Áo Vàng

Tư tưởng bài tôn giáo từ bấy đến giờ vẫn là một trong những căn nguyên chia rẽ đất nước dù bớt gay gắt nhiều. Phong trào Áo Vàng (Mouvement des Gilets Jaunes) khởi đầu từ 4/12/2018 có xu hướng dịu dần cho đến khi xảy ra vụ cháy Nhà Thờ. Đúng Thứ Bảy đầu tiên sau vụ cháy lịch sử, đoàn biểu tình lên đến 100.000 người so với trung bình 30.000 mấy tuần trước đó. Lần đầu tiên xuất hiện các khẩu hiệu lên án quyên góp tiền phục dựng Nhà Thờ cùng với sự gia tăng đập phá và đáp trả của cảnh sát.

Bà Ingrid Levasseur, đại diện tích cực của Áo Vàng, chỉ trích các đại gia năng nổ chi tiền cho Nhà Thờ trong khi thụ động trước sự “khốn cùng của xã hội”. Giới nhà giàu bị lên án lợi dụng cơ hội để đánh bóng hình ảnh. Theo nhật báo Le Monde, nhiều người hoài nghi lòng tốt của các đại gia, tỏ ý “bất bình trước việc họ rất hào phóng giúp trùng tu Nhà Thờ” nhưng lại “keo kiệt khi giúp người nghèo”. Các nhà hảo tâm lớn bị tố đã lợi dụng luật về tài trợ để vung tiền tôn tạo các di tích mà lờ kẻ cùng đinh.

Bình tĩnh xem xét thì thấy chuyện chưa đi đến mức quá xa. Trước hết, gom được một tỷ euro trong một tuần cho Nhà Thờ là kỷ lục của lịch sử quyên góp. Khi “lòng hảo tâm của mọi người tỷ lệ thuận với nỗi xúc động lớn lao phát sinh sau tai họa”, hầu như ai cũng muốn quyên tặng. Không ít người thu nhập thấp cũng hừng hực lệ quyên. Tổng cộng, toàn bộ phần hào phóng của họ không dưới 20 triệu euro. Nó không chỉ thể hiện “lòng gắn bó của người Pháp với di sản của đất nước” mà còn cho thấy Nhà Thờ thành biểu tượng hàn gắn và liên kết các giai tầng.

Tài trợ của các mạnh thường quân khiến tổng tiền thu được bằng ba năm ngân sách mà chính phủ Pháp (mỗi năm 326 triệu euro) dành cho các di tích lịch sử, theo Alexander Gady thuộc Hội Bảo vệ Di tích&Công trình Lịch sử Pháp (Sites et Monuments). Nhiều nhà hảo tâm còn khước từ quyền giảm thuế cho tiền từ thiện. Gia đình tỷ phú Pinault từ chối nhận ưu đãi về thuế. “Không thể bắt người đóng thuế Pháp phải chịu gánh nặng”, Pinault nói hôm 17/4. Tỷ phú Bernard Arnault giàu nhất Pháp ngày 18/4 cũng tuyên bố tương tự. Một tờ báo Pháp bình luận, nếu không có một tỷ euro hảo tâm, phải lấy toàn bộ từ ngân sách nhà nước để tái thiết nhà thờ và đấy chính là móc từ tiền thuế của dân.

GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, cho rằng xu thế trở về tôn giáo là có thể hiểu được. Ông dẫn Teilhard de Chardin (1881 -1955), linh mục dòng Tên, triết gia và là nhà cổ sinh học Pháp tin vào sức mạnh của sự liên minh giữa Cơ Đốc Giáo và chủ nghĩa nhân đạo, để giải thích điều này. Teilhard de Chardin “đề xuất liên kết giữa khoa học với thần học, coi đó là liều thuốc vạn năng giải quyết mọi vấn đề của xã hội hiện đại”, GS Hồ Sỹ Quý viết trong một bài báo tiếng Việt gần đây. (Còn nữa)

“Mọi thứ đều cho Notre Dame, chẳng có gì cho những người khốn khổ” Nguồn: theprojectswworld.com

Ðón đọc Kỳ 2 “Chuyện tình tu sỹ”: Có một mối tình đưa một thanh niên rẽ nhánh thành nhà thần học nổi tiếng của Pháp trước khi khởi công Nhà thờ Ðức Bà Paris (năm 1160). Nó được truyền tụng như một hệ chuẩn về quan niệm tình yêu, bổn phận làm trọn nguyện ước, của Cơ Ðốc Giáo.

Vụ cháy Notre-Dame de Paris là cơ hội để khám phá giá trị nhân bản độc đáo của Cơ Đốc Giáo dù chúng ta đứng trên lập trường vô thần hay theo tôn giáo khác.

Hoàng Quốc Dũng (sưu tầm)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ngam-sau-vu-chay-nha-tho-duc-ba-paris-1423626.tpo