Ngắm những ngôi thánh đường cổ kính, tráng lệ ở miền Bắc

Việc ngôi thánh đường tráng lệ Bùi Chu đứng trước nguy cơ bị hạ giải đã khơi lên những tranh luận không chỉ trong cộng đồng giáo dân mà còn cả các đối tượng rộng rãi khác trong xã hội. Kế hoạch hạ giải sau đó đã được hoãn lại nhưng những ánh mắt vẫn chưa ngừng dõi theo số phận của ngôi thánh đường cổ kính với kiến trúc độc đáo 135 năm tuổi này. Và đâu chỉ Nhà thờ Bùi Chu, còn rất nhiều thánh đường cổ kính, tráng lệ có giá trị lịch sử kiến trúc khác, thậm chí từng được đánh giá là nhà thờ huy hoàng nhất Đông Dương và nay vẫn là một trong 'tứ đại vương cung thánh đường' ở Việt Nam. Nhưng, đáng buồn là có những công trình cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy...

Nhà thờ Đức Bà Nam Định được xây dựng từ năm 1895. Theo ông Martin Rama (Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc Dự án tại Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)ngôi thánh đường Đức Bà ở Nam Định rất đẹp này từng được cho là đã có kế hoạch phá hủy vào ngày 1.6 tới.

Trần gỗ tuyệt đẹp của nhà thờ Đức Bà Nam Định là một viên ngọc kiến trúc.Trần gỗ của nhà thờ, có tuổi đời từ cuối thế kỷ XIX, thực sự là một viên ngọc quý. Như chiếc vương miện trên đỉnh các cột trụ cao vút, trần gỗ này trông giống như một con tàu úp ngược nhẹ lướt về phía thiên đàng. Có lẽ, vì thiếu tài chính, vật liệu để xây dựng một nhà thờ mới thay thế, đã vô tình khiến kế hoạch kéo sập ngôi thánh đường này bị hoãn lại. Nhưng bất kể đó là ngày nào, nhà thờ Đức Bà Nam Định có thể sớm phải chịu chung số phận với nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh) và Trung Lao (Nam Định).

Nhà thờ Bùi Chu được hoàn thành vào năm 1885, trải qua 134 năm, vừa được tạm thời “giải cứu” khỏi sự phá hủy. Nhà thờ Bùi Chu nằm giữa khoảng sân thoáng rộng. Kiến trúc cổ kính, sơn màu thổ hoàng, lợp ngói tuyệt đẹp, dài 78 m, rộng 22 m và cao 15 m với đôi tháp chuông hai bên cao 35 m. Nhà thờ được xây cách đây 135 năm, thuộc hàng quy mô và sớm bậc nhất trong các nhà thờ ở Nam Định.

Thánh đường Giáo xứ Liên Thủy (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định) được xây bằng gỗ vào năm 1898, đại tu vào năm 1996, đến nay còn khá nguyên vẹn.

Nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), nhà thờ duy nhất cho tới nay là di tích quốc gia, một trong “tứ đại vương cung thánh đường” ở Việt Nam. Nhìn bề ngoài, các công trình này giống với nhiều nhà thờ từ thế kỷ XIX nằm ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn của Pháp. Nhưng ở Việt Nam, những nhà thờ này thường mềm mại, tươi vui hơn so với những “người anh em” bên Pháp. Những công trình này thường được kết hợp với các kỹ thuật và trang trí truyền thống Việt Nam, gợi những hình ảnh gần gũi với kiến trúc đền, chùa. Ví dụ đáng chú ý nhất về sự kết hợp Đông-Tây này tất nhiên chính là nhà thờ chính tòa Phát Diệm như hình ở trên.

Nhà thờ Giáo họ Hạ Linh Lễ (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định), xây dựng năm 1909, tôn tạo năm 2000. Phần lớn nhà thờ vùng đông bắc của Việt Nam phản ánh sự kết hợp độc đáo của nhiều nền văn hóa.

Nhà thờ giáo xứ Tang Điền (Xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định) nhà thờ bằng gỗ được xây dựng từ năm 1835, đại tu vào năm 2000.

Nhà thờ giáo họ Gioan (xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định) được di chuyển từ ngoài bờ biển vào năm 1936, trùng tu năm 1995.

Nhà thờ Trung Lễ (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định) xây dựng năm 1906, đại tu 2003.

Nhà thờ Giáo họ Trung Linh (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định), khánh thành năm 1892, hoàn thành đại tu năm 1999. Một ước tính không chính thức cho rằng, có thể có tới 400 công trình công giáo còn tồn tại chỉ ở riêng hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.

Nhà thờ Sở Kiện (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) là nhà thờ với kiến trúc Gothic, xây dựng từ năm 1877, được đánh giá là nhà thờ huy hoàng nhất Đông Dương lúc bấy giờ và nay vẫn là một trong “tứ đại vương cung thánh đường” ở Việt Nam.

Thông tin: Martin Rama - Ảnh: Nguyễn Dương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ngam-nhung-ngoi-thanh-duong-co-kinh-trang-le-o-mien-bac-18712.html