Ngắm nhìn bộ sưu tập tem phiếu, sổ gạo kí ức một thời nhớ mãi khôn nguôi

Ký ức gian khó thời kỳ bao cấp hiện ra sống động qua những bộ tem phiếu mua hàng, sổ gạo... Nhắc đến thời ấy, những thế hệ người Việt trải qua đều có nhiều chuyện bi, hài. 30 năm trôi qua, có người không muốn nhớ lại, cũng có người luôn nhắc nhở con cháu về sức chịu đựng, ý chí vượt khó đi lên.

Những năm 80 của thế kỷ trước, tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.

Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ, viện được hưởng phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tông Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội)... Lúc bấy giờ dân gian có câu Tông Đản là của vua quan/ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là của thương nhân/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

Cảnh xếp hàng mua rau thời bao cấp. Ảnh: John Ramsden.

Sổ lương thực, hay còn gọi là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng, nghe đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình, có câu thành ngữ “Mặt như mất sổ gạo” trở nên vô cùng nổi tiếng thời bấy giờ, dùng để mô tả một khuôn mặt ủ ê não nề không thể đau khổ hơn. Bởi vì thời đó, mất sổ gạo là cầm chắc nhịn đói! Nhịn đói không phải là một ngày hay một tháng mà có khi đến vài ba tháng. Bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn “bảo bối quý giá” này khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại sẽ chạy vạy, vay mượn khắp nơi để sống sót qua ngày đoạn tháng. Nạn ăn cắp diễn ra phổ biến và rất tinh vi khiến việc mất tem phiếu, mất sổ gạo diễn ra lại càng thường xuyên hơn.

Với nhiều người, thời bao cấp là miền ký ức rất đặc biệt. Những năm tháng đó, niềm vui, nỗi buồn thật giản dị và khoảng cách giàu nghèo không quá xa.

Bộ 4 sổ lương thực của 4 quận nội thành Hà Nội lúc đó: quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.

Tem, phiếu là những mảnh giấy nhỏ, ghi tên những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống được nhà nước phân phối cho mỗi người dân. Tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.

Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ. viện được hưởng phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tôn Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội)… Tất cả các mặt hàng mua bằng tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, ai đi công tác không kịp mua chỉ còn cách bỏ đi. Trong ảnh là một loại phiếu mua vải được phát hành năm 1979.

Sữa là mặt hàng chỉ dành cho trẻ em và người ốm. Phiếu sữa trẻ em phân theo loại A; B, phiếu đường cũng có loại I, II, loại ĐB, loại TR, loại D, loại (E+III), loại N, tất cả đều do Cục Thực phẩm, Bộ Nội thương phát hành. Trong ảnh là phiếu đường trẻ em.

Tem phiếu được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người dân. Phản ánh bức tranh xã hội của lịch sử Việt Nam trong những năm trước đổi mới. Những tấm tem, phiếu chứa đựng những câu chuyện lịch sử để rồi những người hôm nay và mai sau sẽ nhớ và trân trọng lịch sử cũng như hiện tại.

Nhắc đến hai từ "bao cấp", ông Nguyễn Xuân Thành ở 57A Hàng Bồ (Hoàn Kiếm) rùng mình nhớ lại cảnh xếp hàng cả ngày, đến đi tắm, đi vệ sinh cũng phải xếp. Nhà ông 8 người, chen chúc ở căn phòng 9,6 m2. Cả ngõ 12 hộ dân chung một khu bếp, đến giờ thổi cơm là ồn ào như chợ. Nhà đun bằng dầu, nhà nấu bằng mùn cưa, người quạt, người thổi, khói bốc mù mịt, nhóm được bếp thì mặt cũng ám đầy muội than, ho sù sụ vì khói.

Hơn 100 nhân khẩu mà có 3 nhà vệ sinh công cộng. Sáng sớm mỗi người cầm tờ báo xếp thành hàng dài. Có người chờ lâu quá không chịu nổi, chạy lên nhà xong lúc sau thấy đi làm, còn giải quyết kiểu gì thì không biết.

Cân lợn bán cho hợp tác xã. Ảnh: TTXVN.

Với hàng triệu người, thời bao cấp là một miền ký ức vừa muốn quên đi nhưng cũng thật đáng để nhớ. "Những năm tháng ai cũng khổ như nhau nên thấy cái khổ của mình bình thường lắm. Nhớ nhất có lẽ là tình cảm trong sáng của con người thời ấy và khoảng cách giữa giàu nghèo không quá xa xôi", PGS Văn Như Cương nói.

Ngọc Anh (T/H)

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/ngam-nhin-bo-suu-tap-tem-phieu-so-gao-ki-uc-mot-thoi-nho-mai-khon-nguoi-75215.html