Ngắm nhà thờ giữa rừng thông mang phong cách Churu độc đáo

Tọa lạc ở một vùng đất cao, nằm giữa rừng thông bạt ngàn của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, lối kiến trúc mộc mạc và gần gũi, nhà thờ Ka Đơn không chỉ được đánh giá cao về mặt kiến trúc mà còn được xem là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của người dân tộc Churu.

Nhà thờ nhìn ra rừng thông xanh mướt (ảnh K.Q)

Nhà thờ Ka Đơn tọa lạc ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, cách trung tâm huyện Đơn Dương khoảng 10km. Nhà thờ Ka Đơn còn là nơi cho những ai muốn tìm một nơi tịnh tâm hoặc muốn tìm hiểu văn hóa, đời sống của người đồng bào Churu.

Nhà thờ giữa rừng thông, nhìn xa khiêm tốn như một ngôi nhà của người dân tộc Churu (ảnh K.Q)

Kiến trúc gỗ ấm áp giữa cao nguyên se lạnh (ảnh K.Q)

Với quan điểm thiết kế một nhà thờ gần gũi với văn hóa đồng bào Churu của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc, 2 kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Thị Thu Hương đã lên ý tưởng thiết kế nhà thờ Ka Đơn với tên gọi “Sự trở lại của hồn địa” đã đã đạt giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6- năm 2016 được công bố tại thành phố Pavia (Italia).

Bên trong nhà thờ cũng trang trí rất ít nhưng tạo cảm giác ấm áp, gần gũi (ảnh K.Q)

Nhà thờ Ka Đơn được thi công từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014 với chi phí dưới 9 tỷ đồng. Nhà thờ có dáng thấp như một ngôi nhà sàn của người Churu bản địa và bao quanh bởi rừng thông xanh mướt.

Kiến trúc gần gũi với thiên nhiên (ảnh K.Q)

Nhà thờ Ka Đơn không có cổng, ai cũng có thể ghé thăm (ảnh K.Q)

Nhà thờ Ka Đơn có một đặc điểm là không có cổng, ai cũng có thể ghé thăm. Bên cạnh ngôi nhà thờ độc đáo, Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc đã tự tay dựng nên phòng trưng bày những dụng cụ sinh hoạt hằng ngày từ cồng chiêng, phèn la đến cây niêu, cái chén, trang phục.. của người Churu.

Bên cạnh nhà thờ là phòng trưng bày hiện vật trong đời sống, văn hóa của người đồng bào Churu (ảnh K.Q)

Linh mục đã sưu tầm những vật thể này từ năm 1972 đến nay. Nhiều vật thể đã trở thành đồ cổ, hàng hiếm. Bên cạnh đó, với mong muốn đồng bào Churu giữ lại tiếng nói riêng của mình, các buổi lễ tại nhà thờ Ka Đơn cũng trở nên độc đáo khi Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc giảng đạo, làm lễ, hát thánh ca bằng tiếng của đồng bào Churu.

Những vật dụng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Churu (ảnh K.Q)

Linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc sưu tập cả những vật dụng quen thuộc rất đời thường như chén ăn cơm của người dân tộc Churu (ảnh K.Q)

Một góc phòng trưng bày (ảnh K.Q)

Chiếc rèm cửa được làm bằng xương thú tại phòng trưng bày (ảnh K.Q)

Giữa một không gian xanh mướt của rừng thông, làn gió se se lạnh đặc trưng, nhà thờ Ka Đơn được nhiều người ghé thăm như một chốn bình yên, tươi đẹp trong hành trình khám phá cao nguyên Lâm Đồng.

Khương Quỳnh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/ngam-nha-tho-giua-rung-thong-mang-phong-cach-churu-doc-dao-580257.ldo