Ngắm nàng Kiều qua tranh

'Truyện Kiều' của Đại thi hào Nguyễn Du đã được nhiều nghệ sĩ khai thác, dựng thành kịch, phim. Trong đó, giới họa sĩ cũng đã để lại nhiều dấu ấn sáng tạo từ tác phẩm kinh điển này.

“Đoàn viên”, của họa sĩ Thành Chương.

“Đoàn viên”, của họa sĩ Thành Chương.

Nối tiếp tiền nhân

Thuộc thế hệ 7x, Nguyễn Tuấn Sơn gần đây được nhắc tới là một trong những họa sĩ có nhiều bức tranh vẽ “Truyện Kiều”. Sau khoảng 20 năm theo đuổi, đến nay, anh đã có một gia tài đồ sộ với hơn 5.000 bức tranh minh họa (tính cả phác thảo). Từ ngày 18 đến 23/11 tới, một phần những bức tranh đó sẽ được anh bày trong triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Là một giáo viên dạy mỹ thuật, Nguyễn Tuấn Sơn cho biết từ lâu anh đã có ý tưởng vẽ Kiều. “Nhà tôi ở quê, trong một lần về quê lục tủ sách, tôi tìm thấy một vài cuốn “Truyện Kiều” của ông nội, tôi rất thích và xem chúng như báu vật” – họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn kể. Sau đó, qua tìm hiểu, anh biết đã từng có những danh họa vẽ kiều, như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu…

Tái hiện hình ảnh các nhân vật trong “Truyện Kiều” bằng bảng màu hội họa đòi hỏi nhiều yếu tố. Đặc biệt, đứng trước những tác phẩm mà các họa sĩ tài danh đã vẽ về Thúy Kiều, về Từ Hải…, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tự ý thức phải tìm kiếm một bố cục khác, tìm hình ảnh khác, xây dựng những gam màu riêng để chúng trở nên khác biệt. Vì thế, anh mất nhiều lần thử sức vẽ Kiều để tìm kiếm một hình ảnh cô Kiều của riêng mình. Đó là con đường gian khổ thật sự đối với anh.

Qua tham vấn nhiều chuyên gia văn hóa, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã nhận ra rằng cần phải vẽ Kiều, tưởng tượng ra Kiều bằng xúc cảm, bằng biểu hiện của nội tâm, tâm lý và những năng lượng từ bên trong của người họa sĩ. Và hội họa của anh, sau bao trăn trở, đã tìm ra tiếng nói của riêng mình - đó là cách thể hiện Kiều theo lối trừu tượng - biểu hiện.

Nét vẽ của Nguyễn Tuấn Sơn mang tính tượng trưng cao nhưng cũng rất gần gũi với đời thường như hình ảnh Thúy Kiều luôn gắn với mái tóc dài, vầng trăng buồn, bầu ngực căng tròn đầy sức sống, đi liền với cây đàn số phận (ở mỗi bức tranh lại là một cách biểu hiện cây đàn khác nhau, cũng như hình ảnh trắng trong các bức vẽ Kiều cũng rất sinh động và không hề trùng lặp).

Để lại dấu ấn thế hệ bằng cách nào?

“Truyện Kiều” là một danh tác để lại nhiều cảm hứng cho các họa sĩ, nghệ nhân dân gian. Bằng chứng là trong tranh dân gian và các cuốn sách cổ đã có những bức họa Kiều. Tiếp đến, các họa sĩ đầu thế kỷ 20 như Trần Văn Cần, Lê Phổ, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đã vẽ về các nhân vật trong “Truyện Kiều”. Bước sang đầu thế kỷ 21, các họa sĩ đương đại Việt cũng đã có bộ minh họa “Truyện Kiều” ấn tượng, mang dấu ấn riêng.

Cụ thể, năm 2017 họa sĩ Thành Chương được mời đứng ra quy tụ các họa sĩ đương đại vẽ minh họa cho ấn bản “Truyện Kiều” do Công ty Đông A tổ chức. Sau đó, 15 bức tranh minh họa do các họa sĩ Thành Chương, Nguyễn Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh... vẽ đã được công bố trong ấn bản “Truyện Kiều” được in màu toàn bộ theo bản khảo đính và chú giải của PGS Nguyễn Thạch Giang.

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, được vẽ minh họa “Truyện Kiều” với cá nhân ông là một niềm vinh dự. Còn về việc các họa sĩ đương đại có chịu áp lực nào không khi đã có những họa sĩ hồi đầu thế kỷ 20 để lại những bức tranh về các nhân vật trong “Truyện Kiều”, Thành Chương thừa nhận “các họa sĩ đương đại vẽ Kiều cũng là một thách thức thú vị”. “Tất nhiên, tôi không kỳ vọng hay đặt ra những bức tranh này phải gánh vác gì cả. Nhưng đây cũng là một cách để lại dấu ấn thế hệ trên một đại danh tác như Truyện Kiều” - họa sĩ Thành Chương nêu quan điểm.

Tại một cuộc tọa đàm mới đây diễn ra ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã tạo nguồn cảm hứng lớn đến như thế nào khi tất cả thế hệ họa sĩ lớn của Việt Nam, những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam khóa Đông Dương, cho đến nay…, trong đó có cả anh, cũng đều có những tác phẩm hoặc phụ bản, hoặc minh họa vẽ “Truyện Kiều”.

“Cái hay ở đây là, trong hội họa nói chung, họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào, nhưng riêng với tranh Kiều, thì cảm hứng, cách tiếp nhận cũng như năng lực sáng tạo phải tinh tường hơn những người khác. Và minh họa đó phải gắn bó với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để vẽ và viết bên dưới bức tranh. Minh họa đó còn phải mang đậm cá tính, phong cách của họa sĩ. Và có thể thấy những tiêu chuẩn đó thể hiện ở toàn bộ những bức tranh được trưng bày tại triển lãm này” - họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách cảm của mỗi họa sĩ là khác nhau. Thậm chí cách “đọc và hiểu văn bản” của mỗi họa sĩ cũng khác nhau. Thế nên mới có câu chuyện có họa sĩ vẽ nàng Kiều mặc trang phục được cho là áo Kimono, hoặc xảy ra hiện tượng nhiều họa sĩ đều vẽ Thúy Kiều ôm đàn tì bà, trong khi đó ở trong tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Du nàng Kiều ôm cây đàn nguyệt của Trung Quốc, cần ngắn và có bốn dây. Theo tìm hiểu của họa sĩ Lê Thiết Cương, chỉ một số họa sĩ vẽ đúng cây đàn nguyệt bốn dây khi vẽ Kiều, trong đó có họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - người chuyên vẽ múa cổ, các con giáp và Kiều.

Quả thực, “Truyện Kiều” đã tạo ra nhiều cảm hứng sáng tác cho giới họa sĩ, và mỗi người sẽ có cách nhìn, cách cảm khác nhau. Dấu ấn cá nhân, dấu ấn thời đại có thể xuất hiện qua những bộ minh họa “Truyện Kiều”. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ câu chuyện khi anh đưa ra bộ minh họa “Truyện Kiều” đầu tiên, bên cạnh những người yêu thích, có rất nhiều người cảm thấy hoang mang vì nó quá trừu tượng. Và anh giải thích rằng đây là lối vẽ biểu tượng, hình ảnh này biểu trưng cho điều gì, chi tiết kia có ý nghĩa như thế nào, để công chúng đứng trước tác phẩm của anh cảm nhận được.

“Chân dung Thúy Kiều nên giống như nàng Mona Lisa thời Phục hưng. Giống ở chỗ trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện sẽ cảm nhận nàng Mona Lisa khác nhau. “Truyện Kiều” cũng vậy, một bức chân dung rất đời và giàu tính biểu tượng, nếu vẽ các nhân vật càng hiện thực sẽ càng trở nên trần trụi, áp đặt và mất đi tính biểu tượng của nó”- họa sĩ Tuấn Sơn bày tỏ, đồng thời cho rằng, luôn tự nhủ mình không được thỏa mãn với chính mình trong sáng tạo, không chấp nhận những gì đang có sẵn và luôn muốn thúc đẩy các hình thức tranh luận về “Truyện Kiều”, mong “Truyện Kiều” sống mãi cùng dân tộc Việt cũng như thế giới này.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngam-nang-kieu-qua-tranh-522962.html