Ngắm hoa, da diết nhớ người

Hoa dầu không có cuống, phía dưới bầu có 5 khía, trên là 2 cánh dài màu hồng, trông tựa trái cầu (chinh) học trò hay đá trên sân trường.

Hoa khô, cánh sắc lại màu vàng nâu, theo gió xoay tròn, như một đàn chim, nhẹ nhàng đáp xuống đất.

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đoạn đường chạy dọc khúc sông Bạch Đằng gần chợ Thủ là nơi có nhiều cây dầu cổ thụ trồng ven đường. Cây cao 50-60 m, tán rộng, thân tròn, cao thẳng tít lên trên, cành lá sát ngọn, nhìn lên chẳng thể rõ hình dáng lá cây dầu, khó mà rõ hoa. Con đường mát rượi, đến mùa hoa, trẻ con thích thú chạy dưới gốc dầu nhặt hoa tung lên hoặc tìm chỗ cao thả xuống để ngắm nhìn cánh hoa xoay trong gió.

Tháng 5, 6 là mùa hoa dầu. Hoa dầu sà xuống đất giờ đã khô, bầu và cánh cứng lại, có thể giữ mãi hình dạng như thế như một món đồ chơi. Hoa dầu không có nét mềm mại, mong manh hay hương thơm như nhiều loài hoa khiến người ta nhớ lâu. Thứ khiến người ta nhớ đến chúng chính là khoảng thời gian ngắn ngủi khi lìa cành, xoay tròn trong gió rồi khoan thai, nhẹ nhàng kết thúc điệu vũ khi về đến mặt đất. Cây càng cao thì hoa rơi càng lâu, khách bộ hành lại được kéo dài thêm thời khắc ngắm nhìn.

Không biết từ bao giờ người ta lại gắn cây dầu, hoa dầu với địa danh Thủ Dầu Một, mà giờ đây theo phong trào gọi tắt thường được gọi là Thủ Dầu. "Thủ Dầu Một" khó gợi một liên tưởng nào đến cây dầu hay hoa dầu nhưng khi gọi "Thủ Dầu" thì có vẻ như có một mối liên hệ nào đó. Thủ Dầu Một trước đây là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương nên lắm người khi "về Thủ Dầu Một" lại nói "về Bình Dương" ngay khi đang ở trong tỉnh. Cuộc sống của người Bình Dương đong đầy nhưng bình lặng, hiền hòa như nước sông Sài Gòn đoạn chảy qua chợ Thủ thường gọi là sông Bạch Đằng.

Với người Bình Dương, chợ Thủ là nơi gắn bó mật thiết, chợ là cuộc sống của nhiều người, nhiều thế hệ, cứ sáng sớm là có mặt ở chợ tới chiều tối mới về. Chợ Thủ có tháp đồng hồ 4 mặt, ngã sáu có vòng xoay với biểu tượng của Bình Dương, tất nhiên là không thể thiếu hoa dầu, chùa Bà linh thiêng, nhà thờ Chánh tòa với kiến trúc Âu, tòa tháp cao, trang nghiêm, bến Bạch Đằng với con đường ven sông rợp bóng dầu, những cây dầu cổ thụ đã sống cùng người Bình Dương bao năm… là những nơi gợi nhớ về Thủ Dầu Một, Bình Dương nhiều nhất.

"Cánh hoa dầu xoay tít bay bay. Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày. Có những chiều gọi gió bay lên. Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu"… (lời bài hát "Cánh hoa bay" của cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch).

Hoa dầu mới nở, cánh phớt hồng chen lẫn lá xanh, chẳng để ai ngắm nhìn cũng chẳng ong bay bướm lượn. Rồi hoa chuyển sắc, phủ một thảm vàng trên cây, đến khi sang nâu là lúc hoa dầu sắp lìa cành. Khoảnh khắc ngàn cánh dầu như những chiếc chong chóng, những chú chim hay những vũ công buông mình lơ lửng trong gió, xoay tròn đẹp xốn xang lòng người.

Trên thảm nâu vàng trải đầy lối đi, hoa dầu vươn đôi cánh như đôi mắt to tròn, bình lặng, thanh thản, hài lòng với sứ mệnh đã thành. Cuối cùng rồi người ta cũng thấy hoa dầu rất đẹp, không phải đẹp ở hương, ở sắc mà chính ở lúc lìa cành, dâng cho đất trời vũ điệu đẹp nhất mà chính đất trời đã ban cho mình.

Nhặt cánh dầu nâu biếc, nhớ người Bình Dương.

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG (BIDV Nam Bình Dương)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ngam-hoa-da-diet-nho-nguoi-20181117200508483.htm