Ngấm đòn tên lửa của Iran, Mỹ sắp đưa hệ thống phòng thủ 'khủng' nào tới Iraq?

Sau trận không kích bằng tên lửa của Iran, Mỹ được cho sẽ đưa hai hệ thống phòng thủ 'khủng' là Patriot và THAAD tới Iraq.

Hôm 10/3, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Kenneth McKenzie cho biết Mỹ đang điều động các hệ thống phòng không tới Iraq nhằm ngăn chặn những đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạovà máy bay không người lái (UAV).

Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối khôngMIM-104 Patriot của Mỹ. (Ảnh minh họa)

Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối khôngMIM-104 Patriot của Mỹ. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 8/1, khi quân đội Iran cho phóng 16 tên lửa đạn đạo nhằm vào hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, không có bất cứ hệ thống phòng không nào tác chiến và ngăn chặn đợt tấn công. Hậu quả Lầu Năm Góc xác nhận hơn 100 binh sĩ Mỹ mắc chấn thương sọ não.

Tuy nhiên, Baghdad đã nêu rõ quan điểm muốn quân đội Mỹ rời khỏi lãnh thổ Iraq sau vụ việc UAV Mỹ không kích khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad vào ngày 3/1. Vụ tấn công này đã gây ra cái chết của Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng Phó chỉ huy lực lượng huy động nhân dân Shia (PMU) tại Iraq là Tướng Abu Mahdi al-Muhandis và 10 người khác.

“Kể từ tháng 5/2019, các lực lượng ủy nhiệm của Iran và các tay súng Shiite ở Iraq đã tăng cường tấn công vào lợi ích của Mỹ và thực hiện hàng chục đợt trinh sát bằng UAV gần các căn cứ quân sự của Iraq và Mỹ”, Sputnik dẫn lời Tướng McKenzie phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 10/3.

“Chúng tôi đang trong quá trình triển khai các hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Iraq nói riêng cũng như bảo vệ quân đội Mỹ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Iran. Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ các UAV, nhưng lại thiếu một mạng lưới phòng thủ đáng tin cậy để ngăn chặn”, ông McKenzie nói thêm.

Cũng theo ông McKenzie, năng lực của UAV quân đội Iran thuộc hàng “phát triển chiến thuật đáng quan ngại nhất trong khu vực”. Điều này cũng khiến Mỹ củng cố thêm quan điểm chính Iran là thủ phạm tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Ả Rập Xê-út hồi tháng 9/2019 bất chấp phong trào Houthi ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, hôm 10/3, Tướng McKenzie lại không công bố chi tiết về quá trình điều động các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Iraq bao gồm thời gian và loại thiết bị.

Giới chuyên gia nhận định, khả năng Mỹ sẽ cho triển khai hai hệ thống phòng không tới Iraq. Thứ nhất là MIM-104 Patriot, vũ khí đã bắn hạ nhiều tên lửa Scud của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Thứ hai là Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từng được Mỹ triển khai tới Hàn Quốc nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Trong đó, theo tuyên bố từ giới chức Mỹ, THAAD có thể theo dõi cả những vật thể “có kích cỡ nhỏ bằng quả bóng chày ở khoảng cách xa 4.600 km”.

Thiết kế nguyên mẫu ban đầu, hệ thống THAAD có tầm bắn từ 600 - 3.000 km. Vào năm 2002, sau khi rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đường đạn, Mỹ bắt đầu cải tiến THAAD để tăng năng lực phòng thủ giai đoạn cuối đối với tên lửa tầm xa và tên lửa xuyên lục địa.

Trong khi đó, được tập đoàn Raytheon phát triển, hệ thống MIM-104 Patriot đi vào hoạt động từ năm 1985 và vẫn là hệ thống phòng thủ tên lửa chính của quân đội Mỹ.

Patriotbắn ra 2 loại tên lửa là PAC-2 và PAC-3. Trong đó, PAC-2 có tốc độ tối đa Mach 5 (nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh), tầm bắn tối đa hơn 10 km và độ cao tối đa khoảng hơn 30 km. PAC-3 cũng có có tốc độ tối đa Mach 5 với tầm bắn tối đa 15 - 45 km, và độ cao tối đa từ 10 - 15 km.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ngam-don-ten-lua-cua-iran-my-sap-dua-he-thong-phong-thu-khung-nao-toi-iraq-post334812.info