Ngắm 'Báu vật khảo cổ học' Việt Nam

'Những báu vật khảo cổ học' Việt Nam vừa chính thức được giới thiệu đến công chúng.

Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã chính thức khai mạc ngày 12/4 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam đạt được trong 60 năm qua.

Đặc biệt, đây là các “báu vật” vừa “trở về” Việt Nam sau 3 năm triển lãm tại Đức trong chương trình phối hợp khảo cổ học hợp tác Việt Nam và Đức- Sự kiện đặc sắc nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1975-23/9/2015) và 25 năm ký kết Hiệp định văn hóa (10/5/1990- 10/5/2015) giữa Việt Nam - Đức; góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và cắt băng khai mạc Trưng bày.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu cắt băng Khai mạc Triển lãm

Trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các Bảo tàng Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Thọ, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Viện Goethe Hà Nội và 3 Bảo tàng quốc gia Đức là: Herne, Chemnitz, Reiss-Engelhorn cùng phối hợp tổ chức. Thông qua trưng bày đặc biệt này, Ban tổ chức giới thiệu gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII), chia làm 3 phần chính: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.

“Báu vật khảo cổ học thời Tiền sử” tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: Công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam. Phần trưng bày này cũng giới thiệu những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Đây là cuộc khai quật lớn đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức. Tại Hang Hùm các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu vết, những hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ- văn hóa Sơn Vi…

Trưng bày thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng

Phần “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí” trưng bày các hiện vật tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Trong đó văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa thời đại kim khí, có nguồn gốc bản địa, hội tụ và phát triển trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở 3 lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam ở miền Bắc Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909. Đây là nền văn hóa có táng thức chủ đạo dùng chum, vò gốm có kích thước lớn làm quan tài với những tích mộ táng - những khu mộ địa đôc lập trên sườn cồn cát, đồi gò ven sông, trên những giồng đất cao. Đồ tùy táng giàu có từ nhiều chất liệu khác nhau bằng sắt, gốm, thủy tinh, mã não… với những loại hình độc đáo. Trưng bày về văn hóa Đồng Nai tập trung giới thiệu những hiện vật ở một số di tích do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia nghiên cứu khai quật…

Phần “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử” gồm 4 nội dung trưng bày nhỏ. Đầu tiên là nội dung về bày về báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên với một số hiện vật được tìm thấy trong mộ gạch thế kỷ 1 – 3.

Tiếp theo là nội dung về “Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn” tập trung giới thiệu những tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu- Quảng Nam, Tháp Mẫm- Bình Định; nhóm hiện vật thuộc di tích Cấm Mít - Đà Nẵng do Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật năm 2012. Đặc biệt, ở nội dung này có hiện vật đại diện cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn- Quảng Nam.

Nội dung tiếp theo giới thiệu đến công chúng là “Văn hóa Óc Eo- Phù Nam”. Đây là một nền văn hóa cổ trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, được khám phá dựa vào những di vật đầu tiên mà Louis Malleret khai quật được tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) năm 1944, và dựa vào những di vật sưu tập được ở nhiều nơi trong lưu vực sông Tiền, sông Hậu của các nhà khảo cổ Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX.

Cuối cùng là “Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam” giới thiệu những di tích thành quách đền đài do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu suốt hơn 60 năm qua.Trong đó có hiện vật là những dấu tích thành cổ; đặc biệt là hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); hiện vật khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999…

Báu vật khảo cổ học Việt Nam sẽ diễn ra đến tháng 7/2018

Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đến tháng 7/2018.

Trước khi trưng bày tại Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với một số bảo tàng của Đức tổ chức trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2018. Trưng bày này thu hút hơn 100.000 khách đến tham quan, trong đó có rất nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Đức. Đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam nước ta có mặt tại Đức, trong một hành trình quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam kéo dài gần ba năm. Đặc biệt, một bảo vật quốc gia là “Mộ thuyền Việt Khê” – minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm được đưa sang Đức trưng bày. Đây cũng là lần đầu tiên hai bảo vật quốc gia của Việt Nam được đưa ra trưng bày ở nước ngoài…/.

Hồng Hà- Nam Nguyễn

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ngam-bau-vat-khao-co-hoc-viet-nam-286871.html