Ngại tiếp dân

Qua thống kê số liệu báo cáo về công tác tiếp công dân cho thấy, đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định, trong đó, có một số tỉnh, tỷ lệ chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như: Tiền Giang (27 ngày, hơn 225%), Tuyên Quang (24 ngày, hơn 200%); một số tỉnh có số ngày tiếp định kỳ của lãnh đạo cao (kể cả số ủy quyền) như: Khánh Hòa (50 ngày), Bình Phước (30 ngày)...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn khá nhiều địa phương chưa chú trọng, thực hiện tốt công tác này. Việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, nhất là cấp tỉnh; một số địa phương ủy quyền đến hơn 70%; cá biệt có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân; có tỉnh, tỷ lệ tiếp dân của chủ tịch UBND tỉnh so với quy định là 0%, nghĩa là không hề thực hiện việc tiếp dân theo quy định.

Luật Tiếp công dân quy định, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng; chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày trong một tháng; chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tuần. Như vậy, tiếp công dân là một nhiệm vụ bắt buộc đối với người đứng đầu chính quyền các cấp. Việc tiếp công dân là để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Ðáng tiếc, viện dẫn nhiều lý do, nhiều cán bộ đã cố tình trốn tránh việc tiếp dân. Có những cán bộ không có thời gian tiếp dân, nhưng lại có thời gian đi dự khai trương, động thổ, đi tham quan, học tập, thậm chí đi đánh gôn, câu cá... Có những cán bộ không tiếp dân vì ngại gặp dân, không dám đối thoại thẳng thắn với dân...

Việc nhiều người đứng đầu chính quyền địa phương chưa coi trọng, thực hiện nghiêm công tác tiếp dân dẫn đến tình trạng nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân chưa được đáp ứng; nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân không được xem xét, giải quyết kịp thời, sinh ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Không ít nơi, sự việc không quá phức tạp, hoàn toàn trong tầm xử lý, giải quyết của địa phương nhưng người dân vẫn phải ra tận trung ương để khiếu nại.

Một số nơi, việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với trách nhiệm được giao, có nơi còn bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân để thực hiện chính sách cán bộ, như bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ... cho nên không trả lời, xử lý, giải quyết được những vấn đề nhân dân nêu ra, ảnh hưởng hiệu quả tiếp công dân.

Chính vì vậy, rất cần có những biện pháp kiên quyết, cứng rắn hơn nữa để chấm dứt tình trạng cán bộ ngại tiếp dân hiện nay.

HÀ VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38459502-ngai-tiep-dan.html