Ngạc nhiên khi vũ khí Nga bị Trung Quốc đánh bật ngay tại 'sân sau'

Thời gian gần đây có rất nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô lại đặt niềm tin vào vũ khí Trung Quốc chứ không phải sản phẩm quốc phòng do Nga chế tạo.

Kênh truyền hình nhà nước của Uzbekistan mới đây đã đăng tải một đoạn phóng sự cho thấy một khẩu đội tên lửa phòng không FD-2000 mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc trong tình trạng trực chiến.

FD-2000 chính là phiên bản xuất khẩu của HQ-9, đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa rất hiện đại do Trung Quốc chế tạo và đang giữ vai trò chủ lực trong lưới lửa bảo vệ bầu trời nước này.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tạo ra tổ hợp HQ-9 bằng cách tham khảo cả S-300 của Nga lẫn Patriot của Mỹ, do vậy tính năng kỹ chiến thuật của HQ-9 được đánh giá là rất đáng gờm.

Phiên bản xuất khẩu FD-2000 theo nhận xét từ các chuyên gia quân sự thì không khác biệt nhiều lắm so với biến thể nội địa HQ-9, chỉ thay thế các khí tài thông tin liên lạc tuyệt mật dành riêng cho Quân đội Trung Quốc mà thôi.

Tầm bắn của tên lửa phòng không FD-2000 đạt tới con số 125 km, tức là nhỉnh hơn đạn 5V55R của tổ hợp S-300PMU (90 km) nhưng ngắn hơn đạn 48N6E của S-300PMU-1 (150 km) và 48N6E3 của S-300PMU-2 (195 km).

Mặc dù vậy tên lửa đánh chặn FD-2000 vẫn được nhận xét là một vũ khí rất đáng gờm do bên trong nó là nhiều thiết bị điện tử tinh vi với bộ vi xử lý công nghệ cao.

Tên lửa FD-2000 cũng sử dụng thuật phóng lạnh và được khai hỏa theo chiều thẳng đứng tương tự S-300, khiến nó có thể bao quát trọn vẹn góc 360 độ.

Uzbekistan là quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ thứ hai sau Turkmenistan đặt niềm tin vào tên lửa phòng không Trung Quốc chứ không phải S-300 của Nga cho nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của mình.

Điều này chắc chắn khiến Nga không thể cảm thấy dễ chịu, do nguy cơ Moskva để mất các thị trường vũ khí tiềm năng là rất lớn, chưa kể việc vũ khí Trung Quốc nằm sát biên giới còn đặt ra nhiều thách thức trong tương lai.

Ưu thế lớn nhất để vũ khí Trung Quốc xâm nhập vào ngay "sân sau" của Nga đầu tiên là giá thành rẻ hơn đáng kể, tiếp đó Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng chuyển giao một phần công nghệ cho đối tác, điều mà Moskva không thể đáp ứng.

Ngoài ra việc cung cấp các vũ khí hiện đại cho Uzbekistan và Turkmenistan còn nhằm giảm gánh nặng mua khí đốt mà Trung Quốc phải thanh toán cho hai quốc gia trên.

Thực chất đây cũng có thể coi như một hình thức hàng đổi hàng mà Nga vẫn áp dụng với các đối tác mua vũ khí của mình, chỉ khác là quan hệ giữa Trung Quốc với Uzbekistan và Turkmenistan lại theo chiều ngược lại.

Ngoài FD-2000, dự báo các nước trên sẽ còn phải mua radar, máy bay cảnh báo sớm và thậm chí là máy bay chiến đấu của Trung Quốc để phối hợp với hệ thống phòng không này.

Điều đó giúp cho vũ khí Trung Quốc có cơ hội "bám rễ" rất sâu tại Trung Á và sẽ dần dần soán ngôi hoàn toàn sản phẩm quân sự của Nga ngay tại "sân sau" của Moskva.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ngac-nhien-khi-vu-khi-nga-bi-trung-quoc-danh-bat-ngay-tai-san-sau/793217.antd