Ngạc nhiên khí tài Việt Nam chế tạo cho tên lửa SPYDER

Thực sự ngạc nhiên về tiến bộ vượt bậc của CNQP Việt Nam, chúng ta đã chế tạo thành công máy hỏi VN1 (MH-VN1) có thể tích hợp cùng tên lửa phòng không SPYDER.

Mặc dù chúng ta vẫn đang trong quá trình tiếp nhận và triển khai công tác huấn luyện làm chủ tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER hiện đại do Israel phát triển, thế nhưng các đơn vị kỹ thuật quân đội ta lại đã chế tạo thành công khí tài hỗ trợ ghép nối sử dụng với SPYDER. Đó thực sự là bước tiến vượt bậc của công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung và Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân (PK-KQ) nói riêng.

Theo báo Phòng không – Không quân, hôm 25/7, Hội đồng nghiệm thu của Quân chủng do Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Tham mưu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Quân chủng PK-KQ chủ trì, đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá kết quả các sản phẩm máy hỏi VN1 (MH-VN1) do Viện Kỹ thuật PK-KQ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Qua kiểm tra thực tế, Hội đồng Nghiệm thu nhất trí đánh giá các sản phẩm máy hỏi VN1 đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, được chế tạo mới bằng các linh kiện có độ tin cậy cao, ứng dụng các công nghệ mới, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu tham số kỹ, chiến thuật được phê duyệt, đủ điều kiện để lắp đặt, ghép nối sử dụng trên tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER.

SPYDER tên viết tắt của cụm từ "Surface-to-air PYthon and DERby") là hệ thống phòng không cơ động tầm ngắn - trung được phát triển bởi hãng Rafael Advancer với sự hỗ trợ từ công ty Israel Aerospace Industries (IAI). Nó được thiết kế để bắn hạ nhiều loại mục tiêu gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV và đạn chính xác cao. Nó cung cấp khả năng phòng thủ điểm cho các cơ sở quan trọng và bảo đảm cho đội hình cơ động mặt đất.

Một hệ thống tên lửa phòng không SPYDER bao gồm các thành phần gồm: Radar bám bắt mục tiêu EL/M-2106 ATAR hoặc Radar đa chế độ EL/M-2084; bệ phóng tự hành với đạn tên lửa (tổng cộng 6 bệ); xe tiếp đạn; xe phục vụ chiến đấu và đạn tên lửa đất đối không.

Trong ảnh là radar bám bắt mục tiêu chiến thuật tiên tiến EL/M-2106 ATAR thiết kế với anten mạng pha có khả năng phát hiện dải rộng các mục tiêu có RCS thấp giống như UAV, tên lửa, bom... Radar có thể phát hiện cùng lúc 500 mục tiêu trong cả ban ngày và đêm, trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử mạnh. Tầm phát hiện máy bay chiến đấu lên tới 70-110km, với trực thăng là 40km và với UAV là 40-60km.

Hệ thống radar đa nhiệm EL/M-2084 được thiết kế cho phiên bản SPYDER MR có khả năng xử lý 1.100 mục tiêu trong chế độ giám sát trên không và phát hiện vị trí mục tiêu cách 250km.

Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER trang bị hai loại đạn tên lửa đất đối không Python-5 và Derby. Lưu ý rằng, hai loại tên lửa này vốn là tên lửa không đối không được cải tiến để để bắt từ mặt đất.

Bệ phóng kết cấu module cho phép triển khai cả hai loại tên lửa hoặc chỉ một tên lửa. Như trong ảnh, SPYDER triển khai bệ phóng với 4 đạn tên lửa Python-5 dùng camer dẫn đường hồng ngoại.

Tên lửa phòng không SPYDER được phát triển với hai biến thể chính khác nhau về tầm bắn và radar gồm: Loại tầm ngắn được định danh là SPYDER-SR đạt tầm bắn 15km, hạ mục tiêu ở độ cao tối đa đến 9km, dùng radar EL/M-2106 ATAR; Loại tầm trung SPYDER-MR cũng sử dụng tên lửa Python-5 và Derby nhưng lắp tầng đẩy phụ cung cấp khả năng hạ mục tiêu ở độ cao đến 16km, tầm bắn đến 35km, dùng radar EL/M-2106 hoặc EL/M-2084.

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su-viet-nam/ngac-nhien-khi-tai-viet-nam-che-tao-cho-ten-lua-spyder-729774.html