Nga xúc tiến xây dựng một loạt căn cứ quân sự ở 6 nước châu Phi

Nhật báo Bild của Đức mới đây đã trích dẫn một báo cáo mật của Bộ Ngoại giao Đức viết rằng, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình, Nga đang xúc tiến xây dựng các căn cứ quân sự ở 6 quốc gia châu Phi.

Báo cáo nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi “châu Phi là ưu tiên hàng đầu”. Các căn cứ là một phần tham vọng của Nga trong tìm kiếm vị thế siêu cường ở châu Phi và trên toàn cầu.

Báo cáo nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi “châu Phi là ưu tiên hàng đầu”. Các căn cứ là một phần tham vọng của Nga trong tìm kiếm vị thế siêu cường ở châu Phi và trên toàn cầu.

Tờ Bild của Đức trích dẫn báo cáo viết, kể từ năm 2015, Nga đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự với 21 quốc gia ở châu Phi. Trước đó, nước Nga mới chỉ có 4 hiệp ước hợp tác quân sự trên khắp lục địa này.

Tổng thống Nga Putin đang phải cạnh tranh không chỉ với phương Tây mà còn với Trung Quốc trong việc truyền bá ảnh hưởng của Nga trên lục địa khổng lồ châu Phi.

Báo cáo cho biết, bằng cách tăng cường quan hệ với một số lãnh đạo lâu năm ở châu Phi, Điện Kremlin có được sự đảm bảo rằng sẽ “được phép xây dựng các căn cứ quân sự ở 6 quốc gia”.

Danh sách các quốc gia này gồm Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Eritrea, Madagascar, Mozambique và Sudan, theo tài liệu bị rò rỉ của Bộ Ngoại giao Đức.

Sudan là mối quan tâm đặc biệt quan tâm của Nga vì nước này nằm trên tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đỏ. Hồi tháng 12-2019, quan chức Quốc hội Sudan cho biết, việc Nga đề nghị xây dựng cảng ở Sudan đang được thảo luận, và xa hơn có thể là một căn cứ của Nga trên Biển Đỏ.

Từ trước đến nay, cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga trong việc chống lại “sự xâm lược của Mỹ”. Trong quá khứ, Sudan từng ủng hộ Iraq cũng như bị Mỹ cáo buộc chứa chấp và hỗ trợ một số thủ lĩnh khủng bố, trong đó có Osama bin Laden

Ngoài ra, người Nga từ lâu đã cố gắng thiết lập một căn cứ hậu cần ở Eritrea. Trong đó, 2 cảng Massawa và Assab của Eritrea có vị trí chiến lược dọc Biển Đỏ.

Mặc dù thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Eritrea là nhằm thúc đẩy các giao dịch thương mại song phương nhưng nó cũng sẽ cho phép thu thập thông tin tình báo hay tiếp cận hoạt động vận tải biển đi qua Biển Đỏ đến Địa Trung Hải và Biển Ả Rập.

Nhờ vậy, Nga sẽ dễ dàng giám sát các tàu chiến của Mỹ đi lại trên tuyến đường biển kết nối với Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương.

Quân đội Nga cũng đang chính thức huấn luyện binh sĩ đến từ Cộng hòa Trung Phi. Hiện tại, có 180 giảng viên quân đội “chính thức” của Nga có trụ sở tại Cộng hòa Trung Phi.

Ngoài ra, khoảng 250 đến 1.000 nhà thầu “dân sự” của Tập đoàn Wagner có mặt tại Trung Phi. Nhóm Wagner cũng đang ở Libya để hỗ trợ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.

Các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức đã gọi Tập đoàn lính đánh thuê Wagner là một “công cụ hỗn hợp giúp tạo ra ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự” của Nga.

Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn ở lục địa châu Phi. Họ kiểm soát 37,6% thị trường vũ khí của châu Phi; xếp sau là Hoa Kỳ với 16%, Pháp với 14% và Trung Quốc với 9%.

Algeria được cho là vẫn là khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga ở châu Phi, tiếp theo là Ai Cập, Sudan và Angola.

Đáng chú ý năm 2017, Nga đã ký một thỏa thuận với Ai Cập về việc sử dụng các căn cứ không quân của Ai Cập. Trong chuyến thăm Cairo vào tháng 12-2017 của ông Putin, hai nước còn ký thỏa thuận để Nga xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ai Cập

Hải Yến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-xuc-tien-xay-dung-mot-loat-can-cu-quan-su-o-6-nuoc-chau-phi-post441473.antd