Nga 'vớ bẫm' khi thu được tên lửa 'quý hơn vàng' của Israel đánh rơi ở Syria?

Tên lửa đánh chặn Stunner tiên tiến nhất của Israel dường như đã rơi vào tay Nga. Với chiến lợi phẩm quý giá này, Moscow có thể nắm bắt mọi bí mật trong vũ khí Israel.

Tên lửa đánh chặn Stunner của Israel được đánh giá rất cao.

Tên lửa đánh chặn Stunner của Israel được đánh giá rất cao.

Theo một nguồn tin đáng chú ý gần đây, Nga có thể đã thu được tên lửa đánh chặn Stunner tiên tiến nhất của Israel. Với chiến lợi phẩm này, quân đội Nga có thể sử dụng kỹ nghệ đảo ngược để từ đó nắm bắt mọi ưu nhược của các hệ thống phòng không mới nhất từ Israel và Mỹ.

Hãng thông tấn SINA của Trung Quốc đưa tin, một tên lửa đánh chặn Stunner của Israel phóng ra cách đây một năm đã bị người Syria thu được và bàn giao cho người Nga.

“Đây chắc chắn là điều đáng quan tâm. Nếu tôi ở Rafael, tôi sẽ cảm thấy lo lắng ngay lúc này”, Ian Williams, phó giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Business Insider.

Nếu thông tin của SINA là sự thật, đây được coi là một tổn thất lớn đối với Mỹ và Israel. Theo Asia Times, tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon đang muốn tích hợp tên lửa Stunner vào hệ thống phòng không Patriot và dự kiến sẽ giao cho khách hàng đầu tiên là Ba Lan.

Israel cũng đang áp dụng công nghệ tương tự vào một phiên bản của tên lửa không đối không Python, cho phép nó có thể theo đuổi các mục tiêu có giá trị cao với tầm hoạt động rộng của tên lửa thế hệ mới.

Do đó, cả Raytheon và Rafael sẽ cần phải thay đổi công nghệ để Nga không thể tìm ra cách đánh bại các hệ thống của mình.

Về cơ bản, việc người Nga có thể sao chép tên lửa Stunner hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng công nghệ.

Tên lửa Stunner là bộ phận đánh chặn của hệ thống phòng không David's Sling, được thiết kế để đánh chặn máy bay địch, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa tầm trung đến tầm xa.

Phần lớn thiết kế của Stunner được thực hiện bởi Raytheon, với sự trợ giúp của tập đoàn Rafael ở Israel. Stunner có nhiệm vụ chủ đích là đánh chặn tất cả các tên lửa tầm ngắn, vốn là vũ khí chiếm 92% tổng số tên lửa toàn cầu.

Với cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái gây thiệt hại gần đây ở Saudi Arabia, Stunner và David's Sling đang được đánh giá là lá chắn phòng thủ rất quan trọng.

Nga thu được tên lửa đến từ đâu?

Theo hãng thông tấn SINA, hai tên lửa Stunner nói trên được Israel phóng ra trong sự việc ngày 23/7/2018. Khi đó, quân đội Israel (IDF) phát hiện có 2 tên lửa Tochka (SS-21) do Nga sản xuất được khai hỏa từ lãnh thổ Syria đang bay vào lãnh thổ Israel.

IDF đã kích hoạt hệ thống David's Sling để đánh chặn. Vài giây sau khi tên lửa đánh chặn Stunner được phóng ra, radar của Israel xác định rằng đường đi tên lửa Tochka sẽ không xâm nhập vào lãnh thổ Israel.

David's Sling là lá chắn phòng thủ quan trọng của Israel.

Một lệnh hủy đã được gửi đến các tên lửa Stunner. Một tên lửa phát nổ trên lãnh thổ Israel nhưng IDF không biết chuyện gì đã xảy ra với tên lửa thứ hai. Khi lệnh hủy được gửi, IDF không còn theo dõi tên lửa này.

Hãng tin SINA cho rằng tên lửa thứ hai không hề bị hủy. Nó đã được người Syria thu hồi và bàn giao cho người Nga.

Bí mật về "siêu tên lửa"

Tên lửa Stunner được đánh giá là rất tinh vi. Đây là thế hệ tên lửa mới sử dụng công nghệ hit-to-kill (va chạm-tiêu diệt) thay vì đầu đạn nổ. Nguyên lý hoạt động của nó là tấn công trực tiếp một máy bay chiến đấu hoặc tên lửa của đối phương ở tốc độ rất cao.

Ưu thế chính của cách tiếp cận hit-to-kill là gây ra ít thiệt hại xung quanh và mức độ đảm bảo tiêu diệt là 100% hoặc bằng không. Tên lửa hit-to-kill có vẻ hiệu quả hơn vì nếu chúng bắn trúng mục tiêu, mối đe dọa sẽ bị loại bỏ.

Tên lửa thông thường sử dụng đầu đạn nổ để phát nổ ở khoảng cách gần với mối đe dọa. Điều này có thể khiến cho mục tiêu đôi khi không bị tiêu diệt. Vì lý do đó, thường có hai tên lửa được phóng vào mục tiêu tới gần để nâng tỷ lệ tiêu diệt lên 90%.

Nhưng cũng có một vấn đề với vũ khí hit-to-kill. Nếu bỏ lỡ mục tiêu, tên lửa sẽ rơi xuống mặt đất và có thể được thu hồi.

Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế đối với cơ chế tự hủy, vì nó phụ thuộc vào lệnh được gửi từ trạm mặt đất trước khi tên lửa tấn công mục tiêu. Gần như không có cơ chế tự hủy nếu nó trượt mục tiêu hoặc bị lạc vì những lý do khác.

Về cơ bản, tên lửa Stunner có rất nhiều công nghệ tiên tiến trong đó, bao gồm radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) 3D Millimeter, cảm biến quang điện kép để hỗ trợ nhận dạng và vị trí mục tiêu, hồng ngoại dẫn đường cho tên lửa v.v…

Theo Asia Times, công nghệ tốt như vậy chắc chắn được các chuyên gia Nga quan tâm.

SINA cũng cũng tiết lộ rằng, cả Mỹ và Israel đã yêu cầu Nga trả lại tên lửa cho Israel; tuy nhiên, nỗ lực đó đã không thành công. Hiện tại, cả Nga và IDF đều không xác nhận thông tin nói trên.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vo-bam-vi-ten-lua-stunner-nga-tim-ra-bi-kip-xuyen-thung-la-chan-phong-khong-cua-my-israel-a455484.html