Nga 'vẫy vùng' ở biển Syria, Trung Quốc và Iran không thể vắng mặt trong 'cuộc vui'?

Với thỏa thuận 49 năm sử dụng cảng biển Tartus của Syria, Nga không chỉ mở rộng sự hiện diện ở ngã tư châu Á, Châu Phi và Châu Âu mà còn tận dụng thêm lợi ích về thương mại.

Nga-Iran-Trung Quốc là những quốc gia ủng hộ rất lớn cho chính quyền Tổng thống Assad.

Nga-Iran-Trung Quốc là những quốc gia ủng hộ rất lớn cho chính quyền Tổng thống Assad.

Nga có vẻ sẽ mở rộng sự hiện diện của mình trên bờ biển phía Tây của Syria, với những tin đồn về việc ký kết thỏa thuận kéo dài nửa thế kỷ đối với một cảng biển đầy tiềm năng tại đây. Trong khi đó, những quốc gia lớn khác cũng đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng lớn hơn ở vùng nước Địa Trung Hải, theo Newsweek.

Các tài sản trên không và trên biển của Nga đặt tại hai cơ sở quân sự được thuê ở các tỉnh ven biển Tartus và Latakia, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát đối với phần lớn đất nước bị chiếm đóng bởi phiến quân và khủng bố từ năm 2011.

Cuối tuần qua, các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng cấp cao của Moscow đã tới Damascus để hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad với hy vọng thúc đẩy việc thành lập một ủy ban hiến pháp có thể chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm và khởi động hợp tác kinh tế, hướng tới tái thiết đất nước.

"Một vấn đề quan trọng để mang đến động lực tích cực là vấn đề sử dụng cảng Tartus", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Borisov nói với hãng thông tấn TASS hôm Chủ nhật.

"Chuyến thăm của tôi đã củng cố tất cả các thỏa thuận này. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể về vấn đề đó và hy vọng rằng một hợp đồng sẽ được ký trong vòng một tuần và cảng Tartus sẽ được các doanh nghiệp Nga sử dụng trong 49 năm".

Văn phòng Tổng thống Assad xác nhận rằng, các thỏa thuận đã được hai nước ký kết, "đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và tăng cường trao đổi thương mại".

Syria và Nga đã ký các thỏa thuận gia hạn cho thuê đối với căn cứ hải quân ở Tartus và một căn cứ không quân tại Hmeymim ở tỉnh Latakia vào năm 2017. Thỏa thuận này không chỉ giúp Nga mở rộng sự hiện diện ở ngã tư châu Á, Châu Phi và Châu Âu mà còn tận dụng lợi ích về thương mại.

Theo sau Nga, những nước ủng hộ Tổng thống Assad, bao gồm Iran và Trung Quốc cũng đã bắt đầu tiến hành các thỏa thuận với Damascus khi chiến tranh sắp kết thúc và việc tái thiết sắp sửa bắt đầu.

Iran và Syria đã có một số chuyến thăm cấp cao và đã ký một số thỏa thuận thương mại kể từ đầu năm nay. Báo Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia mới đây cho biết, một công ty của Iran sẽ thay thế một công ty Pháp hoạt động tại cảng Latakia vào mùa Thu sắp tới.

Việc tiếp quản đã được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 10 này, theo một nguồn tin riêng được đăng tải bởi Asia Times hồi đầu tháng 4.

Tehran, một đồng minh thân cận của Damascus đã can thiệp vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột Syria. Khi Mỹ và các đồng minh khu vực như Israel, Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho phe đối lập ở bên kia, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran đã hỗ trợ cho quân đội Syria và các dân quân đồng minh, cùng với phong trào Hezbollah của Lebanon, chính thức tham gia vào cuộc chiến năm 2013.

Cảng Tartus của Syria.

Sự hiện diện của Iran đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của Mỹ và là mục tiêu của các cuộc không kích của Israel đã được tiến hành với tần suất ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Nga đã lên án các cuộc tấn công của Israel, nhưng cho đến nay đã từ chối ngăn chặn động thái này, ngay cả sau khi triển khai hệ thống phòng không S-300 tiên tiến ở Syria sau sự cố bắn nhầm năm ngoái.

Mặc dù Nga và Iran là những quốc gia ủng hộ quân sự chính của Syria, Tổng thống Assad cũng đã nhận được hỗ trợ về mặt chính trị và tài chính từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cùng Moscow ngăn chặn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do phương Tây bảo trợ, lên án Damascus với cáo buộc tội ác chiến tranh trước đây.

Trong khi đó, theo tờ Newsweek, các quan chức Trung Quốc đang ngày càng định vị Syria là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn được thiết kế để củng cố các tuyến thương mại trên toàn cầu.

Bộ trưởng Giao thông Syria Ali Hammoud đã gặp mặt đại sứ Bắc Kinh tại Damascus Feng Biao hồi đầu tháng này tại Damascus để thảo luận về việc củng cố sự hiện diện của Trung Quốc trên bờ biển Syria.

Theo Hội đồng doanh nghiệp Syria-Trung Quốc, ông Hammoud "kêu gọi sự cần thiết phải khuyến khích và thúc đẩy các công ty, doanh nhân và nhà đầu tư Trung Quốc nghiên cứu các dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông ở Syria, bao gồm việc thành lập một thành phố công nghiệp hàng hải giữa Tartous và Latakia".

Ở những nơi khác ở Địa Trung Hải, Trung Quốc đã bày tỏ mối quan tâm ở các cảng Tripoli của Lebanon, Haifa của Israel, Naples của Ý và Piraeus của Hy Lạp, bên cạnh những nơi khác.

Những kế hoạch như vậy đã làm suy yếu những nỗ lực của Washington trong việc làm tổn hại đến uy tín tài chính đang mở rộng của đối thủ cạnh tranh kinh tế hàng đầu ở châu Á. Đồng thời, Trung Quốc ngày càng hợp tác với đối thủ quân sự hàng đầu của Mỹ, đó là Nga.

Trung Quốc và Nga, cả hai bên ký kết và tiếp tục ủng hộ thỏa thuận Iran, đã củng cố quan hệ song phương trong những năm gần đây, với tầm nhìn xây dựng một phương Đông hùng mạnh so kè với một phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Năm 2015, các quốc gia đã tổ chức các cuộc tập trận chung lịch sử ở Địa Trung Hải, nơi Lầu Năm Góc hoạt động như một phần của nhiệm vụ đối đầu ở Syria.

Khu vực này cũng đóng vai trò là sườn phía Nam của liên minh quốc phòng phương Tây NATO, tổ chức đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh quân sự của Nga và Trung Quốc.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-vung-vay-o-bien-syria-trung-quoc-va-iran-khong-the-vang-mat-trong-cuoc-vui-a431206.html