Nga vẫn nuôi ảo mộng châu Âu?

Bên cạnh những người khổng lồ châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga dứt khoát sẽ rơi vào vị thế thứ yếu.

Giấc mộng châu Âu

Trang mạng của Hội đồng Nga về quan hệ quốc tế vừa có bài phân tích về mối quan hệ giữa Nga và châu Âu, trong đó đặt ra câu hỏi về cơ hội dành cho Moscow có thể trở lại tham gia các thể chế và hệ giá trị của EU.

Theo trang này, cánh cửa đã bị đóng sầm vài năm trước cùng với các sự kiện Crimea và Donbass. Tuy nhiên, việc Nga trở lại với châu Âu là chắc chắn và vấn đề tranh cãi chỉ là “thời hạn” và “cái giá phải trả”.

Có ý kiến nhắc đến thời hạn năm 2024, khi Tổng thống Putin sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiện nay và nước Nga đứng trước một ngã rẽ chính trị mới.

Tổng thống Nga V. Putin quan sát cuộc tập trận Vostok-2018 hôm 13/9

Cũng có những ý kiến nói đến thời hạn muộn hơn là đầu hoặc giữa thập niên 2030 khi “thế hệ Putin” rời vũ đài chính trị vì tuổi tác, trong khi đa số trong xã hội Nga là những người sinh ra sau khi Liên Xô tan rã.

Về “giá phải trả”, có ý kiến cho rằng con đường cải cách kinh tế và chính trị theo định hướng mô hình xã hội châu Âu với nền kinh tế thị trường và hệ thống chính trị tương tự châu Âu vẫn hợp thời đối với nước Nga.

Cũng có ý kiến lại cho rằng thời gian để nước Nga hậu Xôviết phát triển đi lên đã bị bỏ qua, không còn cơ chế phát triển đi lên nữa, và phương án duy nhất còn lại là “phá bung tất cả”, giải quyết nhiệm vụ biến đổi nước Nga, bao gồm cả nhiệm vụ gia nhập “gia đình châu Âu’.

Theo trang mạng của Nga, dù đánh giá như thế nào thì khôi phụ định hướng châu Âu làm định hướng ưu tiên là con đường không thể tránh đối với nước Nga, xuất phát từ 3 lý do.

Thứ nhất, về lịch sử, lối sống và các giá trị nền tảng, người Nga (gồm tất cả các sắc tộc) vẫn là người châu Âu, chứ không phải người châu Á.

Châu Âu luôn đã và sẽ là thỏi nam châm chính đối với sinh viên Nga, đối với các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật và doanh nhân, nhà khoa học, trí thức và thậm chí cả các giới chức Nga.

Châu Âu là "thỏi nam châm" thu hút người Nga?

Châu Âu có cộng đồng người Nga và nói tiếng Nga đông nhất, nơi đây cũng có nhiều cuộc hôn nhân “lai” và những người mang hai dòng máu nhất.

Về đa số các chỉ số (nhân khẩu học, đô thị hóa, trình độ giáo dục, tôn giáo, sự phân tầng xã hội...) Nga và châu Âu, đặc biệt là Trung và Đông Âu, không có sự khác biệt lớn. Nước Nga là một phần của nền văn minh châu Âu. Vì vậy, châu Âu không phải lựa chọn, mà là số phận.

Thứ hai, chỉ có châu Âu mới có thể là động cơ hiệu quả để Nga hiện đại hóa kinh tế và xã hội vì châu Âu có cả một tiềm năng khoa học-kỹ thuật và xã hội. Điều quan trọng hơn là chính châu Âu thực sự quan tâm đến bước phát triển vượt trội về công nghệ của Nga. Cái gốc cây cổ thụ châu Âu cần một nhánh ghép trẻ trung, tươi mới như Nga.

Trong khi đó, trang mạng Nga cho rằng các đối tác châu Á hoàn toàn thỏa mãn với việc tiếp tục sử dụng Nga như nguồn dự trữ nguyên liệu, hoặc tốt nhất cũng chỉ là hành lang vận tải quá cảnh. Phát triển nguồn lực con người ở Nga không phải là ưu tiên đối với châu Á, châu Á chỉ quan tâm đến sử dụng nguồn công nghệ Nga (trước hết là trong lĩnh vực quốc phòng) còn lại từ thời Xôviết.

Thứ ba, chỉ có cùng với châu Âu, Nga mới có khả năng giữ được vai trò là bên tham gia có ảnh hưởng thực sự trong chính trị thế giới. Bên cạnh những người khổng lồ châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, những nước đang vượt xa Nga về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Moscow dứt khoát sẽ rơi vào vị thế thứ yếu – cho dù cấu trúc địa chính trị nào sẽ ngự trị thế giới Á-Âu đi nữa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-van-nuoi-ao-mong-chau-au-3366557/