Nga vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới

Ngày 19/12, Tập đoàn Rosatom đã thông báo rằng nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov bắt đầu hoạt động tốt. Đây là công trình độc đáo, có khả năng cung cấp điện cho một thành phố 100.000 dân.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonossov

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonossov

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới, Akademik Lomonossov, đã bắt đầu sản xuất điện ở bán đảo Chukchi (Viễn Đông Nga), tập đoàn hạt nhân Rosatom cho biết.

Trong năm 2020, nhà máy sẽ được kết nối với mạng lưới điện của thành phố cảng Pevek, nơi chỉ có hơn 5.000 cư dân.

"Chúng tôi đã thực hiện một bước rất quan trọng trong việc phát triển Pevek thành một trung tâm năng lượng mới của khu vực, tạo cơ sở để phát triển về phía tây Chukotka và điểm quan trọng trong Tuyến đường Biển phía Bắc", Rosatom nói trong thông cáo báo chí.

Với việc đưa vào vận hành Akademik Lomonossov, Nga có tổng cộng 11 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.

Thiết kế nhà máy điện hạt nhân nổi đã được Rosatom đề xuất vào năm 2006. Công trình này có biên độ an toàn lớn, theo các nhà thiết kế, vượt quá tất cả các mối đe dọa thường thấy với các nhà máy điện hạt nhân thông thường và khiến các lò phản ứng trở nên bất khả xâm phạm trước sóng thần và các thảm họa tự nhiên khác.

Akademik Lomonosov nặng không dưới 21.560 tấn với chiều dài 144,5 mét và chiều rộng 30 mét. Nó sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân KLT-40S nổi, có khả năng tạo ra 70 megawatt điện và 50 gigacalories mỗi giờ năng lượng nhiệt.

Công suất của nhà máy này đủ để cung cấp điện cho một thành phố khoảng 100.000 dân.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-van-hanh-nha-may-dien-hat-nhan-noi-dau-tien-tren-the-gioi-559130.html