Nga vẫn dàn chiến đấu cơ siêu thanh ở 4 đảo tranh chấp với Nhật

Trong một tuyên bố, Nga khẳng định việc dàn chiến đấu cơ Su-35 ở đảo Iturup hồi đầu tháng 8 là phù hợp chính sách quốc phòng của Nga, bất chấp Nhật phản đối với quyết định của Moscow.

Chiến đấu cơ Su-35 bay biểu diễn - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Interfax ngày 9.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova tuyên bố: “Hành động của Nga phù hợp với chính sách quốc phòng của Nga, gồm chính sách ngoại giao của Nga, vốn không hung hăng và không gây bất ổn hoặc nhằm gây bất ổn cho các quan hệ, gồm quan hệ song phương với Nhật. Mọi sự diễn ra trên lãnh thổ Liên bang Nga đều thực hiện công khai, và chúng tôi đã thông báo đến các đồng nhiệm về việc này, giải đáp các thắc mắc của họ. Đó là lý do mọi giải thích được gởi đến từng cấp”.

Hành động của Nga đã khiến Chánh Văn phòng chính phủ Nhật Yoshihide Suga gởi thư phản đối đến Moscow, bày tỏ “tiếc nuối sâu sắc” việc Nga dàn chiến đấu cơ siêu thanh Su-35 ở đảo Iturup. Đây là 1 trong 4 đảo mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc. 4 đảo được Nhật đặt tên là Shikotan, Habomai, Kunashiri và Etorofu, đều ở ngoài khơi phía bắc vùng Hokkaido (Nhật).

Từ sau Thế chiến 2, quân Nhật đầu hàng, Hồng quân Liên Xô chiếm cụm đảo nằm dọc vùng Sakhalin (Nga) vào năm 1949 và đặt tên là quần đảo Nam Kurils, và đặt lại tên Kunashir cho đảo Kunashiri và Irutup cho đảo Etorofu.

Theo Newsweek, lãnh đạo Liên Xô Josif Stalin cũng không cho bộ tộc thiểu số Ainu tiếp tục định cư ở 4 đảo này, và nay quần đảo Nam Kurils có rất đông dân Nga.

Liên Xô cũng bác bỏ tính hiệu lực của một thỏa ước ký năm 1855 với Nga, qua đó khẳng định Nhật có chủ quyền quần đảo vốn có nguồn cá phong phú và gần những mỏ dầu khí dưới biển. Ban đầu, chỉ có cộng đồng thiểu số Ainu sống trên các đảo, chứ người Nhật và người Nga không đến sống.

Vụ tranh chấp chủ quyền cụm đảo này khiến Nga - Nhật không thể ký hiệp định hòa bình sau Thế chiến 2. Trong hiệp định hòa bình 1951 mà phe Đồng Minh ký với Nhật (Liên Xô không tham gia) không khẳng định Nhật có chủ quyền quần đảo. Năm 1956, Liên Xô đề nghị trả lại hai đảo Habomai và Shikotan để đổi lấy một thỏa ước hòa bình. Nhưng chỉ có một tuyên bố kết thúc chiến tranh, và hai đảo này vẫn do Nga kiểm soát, và hiện có 19.000 quân Nga trú đóng tại 4 đảo.

Theo Newsweek, dù Nhật - Nga đều thể hiện thái độ hòa nhã, Bộ Quốc phòng Nga đã liên tục triển khai lực lượng quân sự, dàn hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất trên quần đảo Nam Kurils, và dự tính xây một căn cứ hải quân ở đó, trong khi vẫn tiếp tục đàm phán với Nhật về tranh chấp lãnh thổ.

Đầu năm 2018, Nga cho phép quân đội quân sự hóa sân bay dân sự xây năm 2014 ở đảo Iturup. Ngày 2.2.2018, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh cho phép máy bay quân sự Nga sử dụng sân bay trên vào mục đích quân sự.

Khi đó, Nga - Nhật căng thẳng về chuyện Nhật dàn hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ. Nga lo ngại Nhật đang cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để làm căn cứ cho một cuộc triển khai quân sự Mỹ ở Bắc Á, với lý do đề phòng CHDCND Triều Tiên, nhưng Bộ trưởng Onodera giải thích động thái này chỉ nhằm bảo vệ Nhật, không nhằm đe dọa Nga.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói với hãng tin nhà ước Nga ITAR-TASS: “Chúng tôi luôn thông báo với Nga, rằng không thể chấp nhận các hoạt động quân sự của Nga. Để giải quyết những vấn đề này, cần thiết phải có một thỏa ước hòa bình, nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền trên 4 đảo”.

Ngày 1.8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết: Tokyo đã yêu cầu Nga kéo giảm hoạt động quân sự ở Lãnh thổ phương Bắc, sau khi Nga tăng cường lực lượng ở đó, để phản ứng với việc Nga gọi là một mối đe dọa tiềm năng.

Dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào tháng 9 tới, tại Vladivostok thuộc Viễn Đông Nga.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nga-van-dan-chien-dau-co-sieu-thanh-o-4-dao-tranh-chap-voi-nhat-94317.html