Nga và Trung Quốc cạnh tranh bán vũ khí cho Iran

Truyền thông Iran cho biết, theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ vào năm 2020.

Máy bay chiến đấu MiG 35 của Nga.

Máy bay chiến đấu MiG 35 của Nga.

Sau khi các lệnh trừng phạt hết hiệu lực, Tehran sẽ có quyền tự do nhập khẩu máy bay chiến đấu, tên lửa và các vũ khí khác.

Rõ ràng, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu sẽ không phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Iran, tuy nhiên, Tehran vẫn có thể hợp tác với các quốc gia khác. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Abdolkarim Banitaraf, các cuộc đàm phán song phương đang được tiến hành với một số quốc gia về việc mua vũ khí và các thiết bị mới để tăng cường hiệu quả chiến đấu của quân đội.

Trước hết, Tehran dự định nâng cấp các phi đội của mình. Hiện nay “xương sống” của Không quân Iran là các máy bay chiến đấu F-14 Tomcat và F-4 Phantom II do Mỹ sản xuất, được đưa vào hoạt động từ những năm 1970. Cho đến nay, chúng đã bị hao mòn đáng kể. Theo các cơ quan tình báo Mỹ, hiện, trong kho vũ khí Iran chỉ còn 20 máy bay chiến đầu thuộc các loại này có khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Tiêm kích đa năng J-10C của Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, để thay thế cho các chiến đấu cơ đã có phần lỗi thời, Không quân Iran có thể sẽ quan tâm đến các máy bay hạng nặng như Su-30 và Su-35 của Nga. Tuy nhiên, giá mua các máy bay chiến đấu hạng nặng rất cao, Bộ Quốc phòng Iran sẽ gặp khó khăn về vấn đề kinh phí.

Theo họ, một đơn đặt hàng khổng lồ cho hàng trăm máy bay chiến đấu là một “món hời” cho Moscow. Rất có thể Nga cũng đã đưa ra đề xuất cung cấp các máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-35 cho Không quân Iran.

Tuy nhiên, không chỉ có Nga, Trung Quốc cũng có một cỗ máy phù hợp với nhu cầu của Tehran, đó là máy bay chiến đấu đa năng J-10C.

J-10C của Trung Quốc được trang bị radar với ăng-ten mảng pha. Máy bay được sử dụng cho cả mục đích không chiến cũng như chiến đấu với các mục tiêu mặt đất. Ngoài ra, J-10C còn có khả năng mang tên lửa chống hạm.

Thêm vào đó, giá bán của máy bay Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu phương Tây.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng nếu muốn đặt mục tiêu vào một thị trường đầy hứa hẹn như Iran thì Moscow cần phải tính đến việc sẽ có những đối thủ cạnh tranh khác. Trong đó, đối thủ được nhắc tới đầu tiên là tiêm kích đa năng J-10C của Trung Quốc.

Được biết, chiến đấu cơ J-10 “Thành Đô” của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2002. Đến năm 2005, nó bắt đầu được đưa vào hoạt động. Phiên bản nâng cấp của J-10C được đánh giá là tiêm kích đánh chặn thế hệ 4 ++, giúp giảm khả năng phát hiện của radar.

Theo Topwar.ru

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nga-va-trung-quoc-canh-tranh-ban-vu-khi-cho-iran-4031115-d.html