Nga và Syria 'làm nền' giúp Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu UAV

Máy bay không người lái (UAV) Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh hiệu quả tác chiến khi đối mặt với nhiều loại vũ khí, nhất là vũ khí của Nga trên chiến trường Syria, và lần đầu tiên UAV này thu được đơn đặt hàng của nước khác.

Chiến tranh là phương pháp thực tế tốt nhất để kiểm nghiệm hiệu quả tác chiến của các loại vũ khí. Cuộc chiến ở Idlib mặc dù tạo ra nhiều tổn thất cho các bên tham gia, nhất là Syria, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, cuộc chiến này đã làm nên “danh tiếng” cho máy bay không người lái (UAV) Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ.

UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Sina.

UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Sina.

Mặc dù kết quả chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể được phóng đại (như, phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Anka-S đã phá hủy 8 bộ hệ thống phòng không Pantsir nhưng phía Nga chỉ thừa có 2 hệ thống bị hư hỏng và Nga dang tiến hành sửa chữa hai hệ thống này, chỉ trong thời gian ngắn nữa là có thể hoạt động bình thường) nhưng không thể không công nhận hiệu quả tuyệt vời của UAV này trong chiến đấu.

Trên thực tế, nhiều UAV của Ankara đã bị hệ thống phòng không của Syria bắn hạ, nhưng những UAV này cũng tiến hành nhiều cuộc không kích mạnh mẽ gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng chính phủ Syria, và thậm chí làm cho nhiều binh lính và sỹ quan cao cấp của Damascus thiệt mạng. Dù sao, các UAV không có con người trên đó, giá thành lại tương đối thấp, khi thiệt hại có thể nhanh chóng bổ sung. Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là bên “có lãi” khi sử dụng UAV đổi lấy nhiều tính mạng và vũ khí hạng nặng thuộc “hàng hiếm” của Quân đội Syria.

UAV TB-2 có chữ ký của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ. Nguồn: Sina.

Một vũ khí mới nếu như biểu hiện không tồi trong thực chiến, thì vũ khí này sẽ không lo lắng về các đơn đặt hàng, “tai nghe không bằng mắt thấy”, một cuộc chiến tranh thực tế đã chứng minh ưu nhược điểm của vũ khí và việc tuyên truyền về hiệu quả trong thực chiến cũng là điều có căn cứ nhất, UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vậy, dù chịu thiệt hại nhiều nhưng hiệu quả của loại UAV này trong chiến đấu là điều không cần bàn cãi và đã thu được những đơn đặt hàng đầu tiên.

Giữa tháng 3/2020, lần đầu tiên UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ được quốc gia khác đặt mua. Theo đó, Bộ Quốc phòng Tunisia đã đặt mua 6 UAV Anka-S và 3 trạm mặt đất của Ankara, cùng các gói huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, tổng trị giá của hợp đồng khoảng 240 triệu USD. Ngoài ra, hai bên cũng đã sơ bộ tiến hành đàm phán về việc chuyển giao kỹ thuật UAV này, theo đó bên mua có thể được lắp ráp dòng UAV này ngay tại Tunisia và xuất khẩu sang các nước ở châu Phi.

UAV Anka-S được trưng bày tại một triển lãm. Nguồn: Sina.

Ukraine cũng bày tỏ “nhã ý” mua sắm UAV này của Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với các vũ khí của Nga. Trước đây Ukraine đã mua UAV TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là loại UAV trinh sát tương đối nhỏ, nó cũng được tham gia vào chiến trường Idlib, nhưng không đạt hiệu quả cao như Anka-S. UAV TB-2 có hiệu suất bay và tải đạn hạn chế, nên dễ bị bắn hạ. Trong số 23 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ, đa số là UAV TB-2. Được biết, ngày 20/3/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển giao cho Ukraine 420 thiết bị quân sự, trong đó có cả UAV TB-2.

Anka là UAV loại lớn nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, mẫu UAV này đã được chế tạo thành một “series”, bao gồm Anka-A, Anka-B, Anka-S và Anka-I. Trong số đó, Anka-A là mẫu đầu tiên, Anka-B là loại trinh sát, Anka-I là mẫu tác chiến điện tử và Anka-S là loại tích hợp trinh sát và tấn công. Anka-S bắt đầu được sử dụng trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018 và đây là loại vũ khí hoàn toàn mới, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, thu thập tin tức, giám sát các mục tiêu trên mặt đất, nó được trang bị hệ thống thấu kính điện tử cùng các bộ cảm biến hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

UAV Anka-S là dòng máy bay không người lái hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Sina.

Anka-S dài 8,6 m, sải cánh 17,5 m, cao 3,25 m, tốc độ tối đa 217 km/h, tốc độ hành trình 204 km/h, thời gian bay tối đa 26 giờ và trần bay thực tế 9.000 m. UAV này có thể mang tới 250 kg vũ khí các loại, được trang bị 4 quả bom dẫn đường laser nhỏ MAM-L / C. Hiệu suất tổng thể của Anka-S tương tự UAV CH-4B của Trung Quốc.

Năm 2013, Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng chế tạo 10 máy bay không người lái Anka-S và 12 trạm kiểm soát mặt đất với giá 290 triệu USD, hoàn thành chuyển giao trong giai đoạn 2016-2019. Đến nay, ít nhất 18 UAV Anka-S đã phục vụ trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nga-va-syria-lam-nen-giup-tho-nhi-ky-xuat-khau-uav-post335450.info