Nga và chiến lược đại Á – Âu

Châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực có sức sống và tiềm năng phát triển nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Với tư cách là một tổ chức khu vực có ảnh hưởng chính trị và kinh tế quan trọng, ASEAN đã trở thành đối tượng quan trọng để các nước lớn tranh giành cơ hội chiến lược ở khu vực này.

Năm 2018, Nga nâng cấp quan hệ với ASEAN và bước vào giai đoạn mới của quan hệ hợp tác chiến lược. Trong tình hình mới, quan hệ Nga - ASEAN đang có những thay đổi mới và thể hiện một số đặc trưng mới.

Trước hết, đó là việc nắm bắt cơ hội. Trong tình hình quan hệ với phương Tây xấu đi nghiêm trọng và cán cân sức mạnh quốc tế đang thay đổi, Nga đã cố gắng nắm bắt các cơ hội lịch sử để mở rộng ưu thế địa chính trị của mình sang khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác đại Á - Âu, thúc đẩy sự kết nối giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và ASEAN là một biểu hiện của việc Nga đẩy nhanh sự chuyển hướng chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Điều này không những có lợi cho Nga tham gia nhanh chóng vào tiến trình hội nhập kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mà còn có thể giành quyền chủ đạo nhất định trong khu vực này.

2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga tại sân bay Frans Kaisiepo ở Biak thuộc tỉnh Papua, Indonesia.

2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga tại sân bay Frans Kaisiepo ở Biak thuộc tỉnh Papua, Indonesia.

Sau khi chính sách nghiêng về hội nhập châu Âu không mấy khả quan, Nga bắt đầu chuyển hướng sang phía Đông, cố gắng tận dụng vị trí địa lý đặc biệt của mình để đóng vai trò là nước điều phối của khu vực châu Âu và Thái Bình Dương. Cấu trúc của quan hệ quốc tế đã trở nên phức tạp hơn. Bị tác động bởi tiến trình toàn cầu hóa, các trung tâm kinh tế và chính trị mới đang hình thành. Và trước những thay đổi lớn trên thế giới, người Nga đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược ngoại giao. Trong tương lai, dự báo động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác đại Á - Âu của Nga.

Mặc dù ASEAN do nhiều quốc gia tầm trung và nhỏ hợp thành nhưng các nền kinh tế đều đang phát triển nhanh chóng, ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế liên tục tăng lên. Tích cực tăng cường quan hệ với khu vực này là biểu hiện nhận thức chiến lược của Nga đối với cục diện thay đổi của thế giới. Phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và toàn diện hơn với ASEAN trở thành mắt xích quan trọng trong bố cục chiến lược ngoại giao "đa trung tâm" của người Nga. Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ ba được tổ chức vào năm 2018 một lần nữa tuyên bố sẽ tăng cường điều chỉnh và hội nhập giữa EAEU với SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) và ASEAN.

Về chính trị, ASEAN là trụ cột chiến lược quan trọng trong Kế hoạch quan hệ đối tác đại Á - Âu của Nga. Thiết lập quan hệ đối tác đại Á - Âu dựa trên EAEU không phải là kế hoạch tạm thời, mà là chiến lược dài hạn, là biểu hiện của ý chí chiến lược của Nga. Mặc dù theo sự giải thích của các quan chức Nga, quan hệ đối tác đại Á - Âu là một sáng kiến hợp tác kinh tế nhưng theo các học giả Nga thì nó lại mang nhiều thuộc tính địa chính trị hơn.

Khu vực Đông Nam Á là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Tăng cường hợp tác chính trị và an ninh với ASEAN là một trong những điểm bắt đầu quan trọng để Nga mở rộng ảnh hưởng địa lý, xây dựng trật tự mới ở lục địa Á - Âu. Tháng 12-2017, 2 máy bay ném bon chiến lược Tu-95MS và 2 máy bay vận tải quân sự Il-76MD của Nga đã đến Indonesia. Sự kiện này được các học giả Nga cho là cột mốc quan trọng để Nga tăng cường ảnh hưởng chính trị ở Đông Nam Á.

Liên minh kinh tế Á - Âu tại buổi ký kết hiệp định thương mại tự do với Singapore, tháng 3-2019.

Về kinh tế, việc xây dựng khu vực thương mại tự do EAEU - ASEAN là mắt xích quan trọng của quan hệ đối tác đại Á - Âu. Thiết lập mạng lưới khu vực thương mại tự do, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa các tổ chức trong khu vực và thúc đẩy tiến trình hội nhập của toàn bộ lục địa Á - Âu là các mục tiêu kinh tế quan trọng của Kế hoạch quan hệ đối tác đại Á - Âu. Cả Nga và EAEU đều có nhu cầu phát triển quan hệ kinh tế với ASEAN. Trong tình hình đang bị các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, đồng thời do giá dầu giảm và đồng ruble mất giá, buộc Nga phải đẩy mạnh tiến trình "chuyển sang hướng Đông" để tìm điểm tăng trưởng mới.

ASEAN là một tổ chức nhất thể hóa có ảnh hưởng và tiềm năng phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc phát triển quan hệ đối tác kinh tế và thương mại với khu vực này chắc chắn sẽ trở thành nội dung quan trọng của Kế hoạch quan hệ đối tác đại Á - Âu của Nga và cũng là cách để nước này tránh bị gạt sang bên lề của nền kinh tế thế giới đang phát triển chóng mặt.

So với các nước lớn khác trên thế giới, mặc dù hiện nay Nga và EAEU không chiếm ưu thế về kinh tế nhưng lại có thể phát huy ưu thế địa chính trị đặc biệt trong khuôn khổ quan hệ đối tác đại Á - Âu. Tiến trình xây dựng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và chính sách cân bằng nước lớn của ASEAN đều có nhu cầu hợp tác về chính trị và an ninh nhất định với Nga.

Dựa trên điều này, Nga đã tìm cách đóng vai trò nước điều phối trong quan hệ 3 bên giữa EAEU với Trung Quốc và ASEAN bằng vị thế của nước định ra các quy tắc, bên cạnh việc thúc đẩy thế giới đa cực hóa còn phải giành lấy quyền chủ đạo khu vực nhất định. Từ ý nghĩa này, có thể thấy ASEAN là mắt xích không thể thiếu trong mối quan hệ 3 bên này.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nga-va-chien-luoc-dai-a-au-602154/