Nga tuyên bố chính thức mới nhất về Cam Ranh

Việt Nam giữ lập trường không để nước ngoài lập căn cứ quân sự trên đất của mình. Cam Ranh vẫn đón tàu nước ngoài để cung cấp dịch vụ hậu cần.

Thời gian gần đây, như một động thái tìm lại ánh hào quang thời Liên Xô, Nga đã khôi phục và mở mới các căn cứ quân sự trên khắp thế giới.

Điển hình nhất có thể kể ra đây là hai căn cứ quân sự trên đất Syria là Căn cứ không quân Hmeymim và Quân cảng Tartus trên đất Syria, tại hai cơ này này người Nga đã triển khai lực lượng mạnh cho cuộc chiến chống khủng bố.

Chưa dừng lại đó, mới nhất Nga và Sudan đã thảo luận về kế hoạch cho phép Moskva lập căn cứ quân sự bên bờ biển Đỏ, từ đó kiểm soát và gây ảnh hưởng tới cả một vùng rộng lớn. Nga đã cung cấp cho Sudan các máy bay chiến đấu Su-35S trong thời gian cấp tốc như một món quà.

Tiếp theo cần nhắc lại rằng thời gian qua Nga đã nhiều lần tỏ ý muốn được quay lại Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam, họ rất lấy làm tiếc vì đã rút khỏi đây vào năm 2002 trước thời hạn.

Tàu ngầm hạt nhân Liên Xô đóng tại Quân cảng Cam Ranh trong thời kỳ chiến tranh Lạnh

Tuy nhiên mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik, Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang, nguyên Tư lệnh lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev đã phát biểu chính thức như sau:

"Khả năng như vậy được xem xét hoàn toàn như giả thuyết. Cho đến nay, không có hành động thực sự nào đang được thực hiện cho sự trở lại của quân đội Nga ở Mỹ Latinh hay Đông Nam Á".

Như vậy nước Nga hiện nay không có bất kỳ hành động hay kế hoạch thực tế nào để quay trở lại các căn cứ trước đây ở Cuba và Việt Nam.

Trước đó, ông Viktor Bondarev tuyên bố với Sputnik rằng việc đặt căn cứ quân sự Nga ở Cuba, trong điều kiện gia tăng gây hấn của Mỹ sẽ đáp ứng lợi ích an ninh, và Nga cũng nên suy nghĩ về việc Hải quân trở lại với sự đồng thuận của Chính phủ Việt Nam.

Một góc căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam

Moskva hiện đang tập trung đầu tư xây dựng các hạm đội ở biển Baltic và biển Đen, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga thời gian gần đây vẫn có quá ít tàu chiến mới, chủ yếu sức mạnh là những chiến hạm từ thời Liên Xô đã quá cao tuổi.

Nếu muốn xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài thì trước tiên Hạm đội Thái Bình Dương phải được nâng cấp toàn diện sánh ngang và đủ sức làm đối trọng với các lực lượng khác.

Quan trọng nhất, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ lập trường không để nước ngoài lập căn cứ quân sự trên đất của mình. Cảng Cam Ranh vẫn đón tàu chiến nước ngoài nhưng để cung cấp dịch vụ hậu cần, sửa chữa trong thời gian ngắn và cung cấp dịch vụ như nhau với mọi quốc gia.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/nga-tuyen-bo-chinh-thuc-moi-nhat-ve-cam-ranh-3348294/