Nga tung thế cờ 'phong tỏa 3 chiều': 'Bóp nghẹt' ở Idlib, áp lực vừa đủ cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngã gục?

'Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt lực lượng vào một vị trí rất dễ bị tổn thương ở Idlib. Họ giống như thể đang nằm chịu trận', chuyên gia Tsurkov nêu quan điểm.

Mục đích của Nga không chỉ là ở Syria.

Mục đích của Nga không chỉ là ở Syria.

Bệ phóng Syria hướng ra Địa Trung Hải

Chính quyền Syria đang cho thấy quyết tâm quét sạch thành trì cuối cùng của phiến quân ở Idlib thông qua các cuộc tiến công ngày càng mạnh mẽ hơn. Về phần mình, Nga đã mang đến sự ủng hộ lớn bằng các cuộc không kích yểm trợ.

Mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ủng hộ đồng minh Syria. Hơn tất cả, Moscow muốn thiết lập bệ phóng sức mạnh nhằm chống lại NATO, thông qua việc tung hứng mối quan hệ thân thiết nhưng đầy phức tạp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tờ Washington Post nhận định.

Theo Elizabeth Tsurkov, một chuyên gia về Syria tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), ngoài việc thắt chặt liên minh chặt chẽ với Damascus, mối quan tâm chiến lược chính của Nga ở Syria là hai căn cứ quân sự quan trọng: căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus, tạo cho nước này một chỗ đứng quân sự chiến lược trên Địa Trung Hải và trước ngưỡng cửa NATO.

Nhà phân tích chuyên về Syria Pavel Felgenhauer từ Jamestown Foundation nhận định, Điện Kremlin có tầm nhìn chiến lược rộng hơn nhiều so với việc chỉ bó hẹp ở cuộc xung đột nội bộ của Syria.

Quan trọng nhất là căn cứ không quân Hmeimim sẽ cung cấp lá chắn phòng không cho hải quân Nga ở phía Đông Địa Trung Hải. Bảo vệ được nơi đây đồng nghĩa với việc đảm bảo được quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.

“Đây là ưu tiên lớn nhất của Nga”, Felgenhaur nói. “Là một tài sản địa chính trị chiến lược lớn, Hmeimim nên an toàn trước mọi thế lực thù địch. Hai căn cứ này đang là bệ phóng sức mạnh vượt ra khỏi Syria vào Địa Trung Hải. Bởi vậy, chúng cần có một vành đai an toàn”.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực giành lại Idlib có nguy cơ gây nguy hiểm cho lợi ích chiến lược khác, đó là nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, mối quan hệ ngày càng tăng tiến giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan đã thúc đẩy sự mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ. Và sự rạn nứt đó đã tiếp tục trao quyền cho Nga trở thành thế lực thống trị ở Syria.

Thế cờ của Putin

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần sự hợp tác của Nga ở Libya.

Idlib là một bài thử nghiệm khác cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2018 nhằm tạo ra một khu vực phi quân sự giữa lực lượng chính phủ Syria và các chiến binh đối lập.

Nhưng Nga cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn thành nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận nhằm loại bỏ chiến binh cực đoan ra khỏi khu vực như nhóm HTS.

Trong khi đó, với các cuộc tấn công mới nhất, Chính phủ Syria đã tiến vào đường cao tốc M5 chiến lược, nối thủ đô Damascus với thành phố lớn Aleppo.

Cuộc khủng hoảng đã leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Nga ngăn chặn bước tiến của lực lượng Syria và đưa ra tối hậu thư rằng lực lượng Syria cần rút khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng.

Với việc tuyến đường chiến lược M5 đã trở lại trong sự kiểm soát của quân Chính phủ, có khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại đạt được thỏa thuận ngừng bắn, theo các nhà phân tích.

Điều này xuất phát từ việc cả hai tổng thống Putin và Erdogan đều không muốn gây đổ vỡ hoàn toàn cho mối quan hệ. Tuy nhiên, rủi ro mà cuộc xung đột mang lại vẫn còn.

Quân đội Syria – với sự tăng cường sức mạnh bởi một loạt các dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn từ Iraq, Afghanistan và các nơi khác – đang cho thấy rằng họ sẽ không dễ dàng ngừng tiến công.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt lực lượng vào một vị trí rất dễ bị tổn thương ở Idlib. Họ giống như thể đang nằm chịu trận”, chuyên gia Tsurkov nêu quan điểm.

Khi áp lực tăng cao hơn, Nga dường như tính toán rằng Tổng thống Erdogan sẽ lùi bước.

“Vị thế của cả hai bên không đồng nhất”, chuyên gia Felgenhauer nói. “Moscow tin rằng Tổng thống Erdogan sẽ không thể mạo hiểm đối đầu với Nga và sẽ sụp đổ nếu Nga gây áp lực đủ lớn”.

“Putin đã có đòn bẩy đáng kể so với Erdogan”, Soner Cagaptay, một nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá.

Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ vũ khí quân sự và không gây sức ép cho chính quyền Erdogan về các vấn đề nhân quyền như một số đối tác phương Tây.

Trong cuộc xung đột diễn ra ở Libya, Moscow và Ankara đang ủng hộ các phe đối nghịch. Thổ Nhĩ Kỳ với lợi ích tài chính và chiến lược ở Libya rất muốn Nga ngừng can thiệp tại nơi đây.

“Hiện tại, ông Putin đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quá phụ thuộc vào mình”, Cagaptay nói. “Thế cờ của Putin đã phong tỏa ở cả ba chiều”.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-tung-the-co-phong-toa-3-chieu-bop-nghet-o-idlib-ap-luc-vua-du-cung-khien-tho-nhi-ky-nga-guc-a465789.html