Nga từng bị xiết nợ vũ khí xịn

Với món nợ lớn thời Liên Xô để lại, Nga và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận thanh toán khoản nợ này bằng vũ khí.

Theo những thông tin được công khai, Hàn Quốc đã cho Liên Xô vay 1,47 tỷ USD và lượng hàng hóa trị giá 470 triệu USD trước khi liên bang này tan rã vào tháng 12/1991. Sau đó, Nga và Hàn Quốc đã thỏa thuận rằng sẽ trả nợ bằng cách chuyển giao cho Seoul các loại vũ khí - khí tài hiện đại.

Loại vũ khí tối tân đầu tiên Hàn Quốc nhận được từ Nga dưới hình thức thanh toán các khoản nợ từ thời Xô Viết là xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U. Tổng số xe tăng T-80 đang phục vụ trong Quân đội Hàn Quốc là 35 chiếc, trong đó có 33 chiếc T-80U được chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997, đến năm 2005 Hàn Quốc tiếp tục nhận thêm 2 xe tăng chỉ huy T-80UK.

Vào thời điểm tiếp nhận, đây chính là những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất của Hàn Quốc và vượt trội hoàn toàn so với xe tăng của Triều Tiên. Đến nay mặc dù Hàn Quốc đã đưa vào trang bị dòng xe tăng nội địa K2 Black Panther hiện đại hơn nhưng T-80U/UK vẫn giữ vị trí xe tăng có hỏa lực mạnh nhất của Lục quân Hàn Quốc.

Bên cạnh xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U, Hàn Quốc cũng là một trong những khách hàng đầu tiên của dòng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 tốt nhất của Nga. Hiện tại số lượng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 đang phục vụ trong Quân đội Hàn Quốc là 70 chiếc gồm 33 chiếc chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997 và thêm 37 chiếc khác chuyển giao trong năm 2005, cùng đợt với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-80.

Hiện tại BMP-3 vẫn được coi là xe chiến đấu bộ binh tốt nhất của Hàn Quốc với sức mạnh hỏa lực và khả năng cơ động đều vượt trội xe chiến đấu bộ binh nội địa K21.

Loại vũ khí tối tân tiếp theo được Nga chuyển giao cho Hàn Quốc là trực thăng Kamov Ka-32 Helix-C. Hàn Quốc đang có trong biên chế tất cả 7 chiếc Ka-32 với các biến thể từ quân sự cho tới dân sự. Bên cạnh đó Hàn Quốc còn có phiên bản Ka-32 dùng cho công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phiên bản Ka-32 này cũng có thể sử dụng với chức năng cứu hỏa.

Ngoài việc nhận chuyển giao vũ khí, Seoul còn muốn đổi nợ lấy các công nghệ tiên tiến của Nga thông qua hình thức hợp tác cùng phát triển mà trường hợp cụ thể là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM Chun-Koong - một biến thể của S-350 Vityaz.

Đây là một trường hợp khá đặc biệt vì Nga cũng muốn tận dụng cơ hội này để phát triển các hệ thống vũ khí của riêng mình. Trong quá trình phát triển radar cho hệ thống phòng không KM-SAM Chun-Koong cũng như trợ giúp cho sự phát triển của hệ thống này, tập đoàn Almaz đã phát triển Vityaz trên cơ sở ý tưởng của đối tác Hàn Quốc.

Tên lửa đánh chặn của hệ thống KM-SAM Chun-Koong dễ dàng nhận ra là sự lai ghép của các tên lửa phòng không có điều khiển họ 9М96 với 48N6. Hình thức trả nợ bằng chuyển giao công nghệ này được đánh giá mang lại lợi ích cho Hàn Quốc còn nhiều hơn việc nhận sản phẩm hoàn chỉnh. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/nga-tung-bi-xiet-no-vu-khi-xin-3360459/