Nga tự tin quá lớn nên không hành động bất ngờ

Đề cập tới chính sách của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Điện Kremlin khẳng định Nga quá lớn để có bất kỳ động thái bất ngờ nào.

Khi Điện Kremlin tự tin

Những động thái ngoại giao gần đây của Nga khiến báo chí nhắc nhiều tới chính sách “hướng Đông” mà Moscow tuyên bố từ lâu. Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga, gồm Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev, đã liên tiếp hiện diện tại các sự kiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố hôm 18/11, người phát ngôn Điện Kremlin được Sputnik dẫn lời khẳng định Nga đang không ngừng phát triển quan hệ với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tránh mọi động thái bất ngờ trong chính sách đối ngoại của mình.

Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya-1, trả lời câu hỏi liệu Nga có tăng cường vị thế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không khi ảnh hưởng của Mỹ đang yếu dần tại đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói:

“Nga quá lớn để có bất kỳ động thái bất ngờ nào. Nga đang không ngừng xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực. Chúng tôi quan tâm tới điều đó".

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea, kết thúc vào ngày 18/11.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có chuyến thăm đầu tiên tới Singapore từ ngày 13-15/11 cùng thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan.

Theo giới phân tích Singapore, bằng việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga và lần đầu tiên tham dự thượng đỉnh Đông Á (EAS), Tổng thống Putin đã thành công trong việc phát tín hiệu cho các nước đối tác tại Đông Nam Á về việc Nga mở rộng chính sách xoay trục sang phía Đông.

Nhiều nước tham gia EAS đã là những đối tác kinh tế quan trọng hoặc đang phát triển của Nga.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin được cho là cũng muốn để Đông Nam Á thấy rằng Nga là một cường quốc được tính đến trong khu vực và không thể bỏ qua. Đây là tín hiệu đối với Mỹ và Trung Quốc, khẳng định việc Nga sẽ đóng vai trò tích cực hơn và tìm kiếm ảnh hưởng tại khu vực này.

Sự lưỡng lự của Nga

Chính sách hướng Đông của Nga đang được thể hiện một cách khá tích cực. Tuy nhiên, giới phân tích hiện tỏ rõ sự hoài nghi vào khả năng Nga có đủ nguồn lực để dàn trải ở một khu vực rộng lớn như châu Á-Thái Bình Dương, chưa nói tới khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được Mỹ thúc đẩy.

Tàu săn ngầm Đô đốc Tributs của Nga trong một chuyến viếng thăm Philippines

Bất chấp chuyến thăm đáng chú ý của Tổng thống Putin, nhà nghiên cứu Chris Cheang của trường nghiên cứu quốc tế RSIS (Singapore) nhận định rằng Nga chưa chắc có thể hoặc có ý định đầu tư các nguồn lực cần thiết của mình để tăng cường hiện hữu tại khu vực.

Theo nhà phân tích này, mối quan hệ hiện tại của Nga với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Triều Tiên tại Đông Bắc Á trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và chiến lược là một ưu tiên cao hơn so với ASEAN và Đông Nam Á.

Bản thân người Nga cũng tỏ rõ sự lưỡng lực trong cách tiếp cận nhằm nâng cao vị thế của mình ở “hướng Đông”.

Điều này được thể hiện khá rõ thông qua đánh giá đầy tính hoài nghi của giới phân tích Nga đối với các cơ chế đa phương, đặc biệt sau Hội nghị cấp cao APEC vừa diễn ra tại Papua New Guinea, nơi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tham dự.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tu-tin-qua-lon-nen-khong-hanh-dong-bat-ngo-3369544/