Nga truy nã cộng sự Navalny: Mối nguy thì phải loại bỏ

Nhóm ông Navalny được hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây để thay đổi chính trị tại Nga như một mối nguy cần phải bị loại bỏ.

Hôm 10/2, Moscow thông báo phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Leonid Volkov, một cộng sự của Alexei Navalny, phụ trách khu vực tại Liên minh châu Âu (EU) và hiện đang sống tại Lithuania.

Leonid Volkov - một cộng sự nổi tiếng của nhân vật đối lập Alexey Navalny. Ảnh: Sputnik

Leonid Volkov - một cộng sự nổi tiếng của nhân vật đối lập Alexey Navalny. Ảnh: Sputnik

Người này đã bị truy vết sau khi nhiều cộng sự của ông Navalny đã bị bắt hoặc tạm giam vài ngày vì tổ chức các cuộc biểu tình trái phép.

Một người phát ngôn của tòa án ở Moscow xác nhận với truyền thông về việc các nhà điều tra Nga đã phát lệnh truy nã quốc tế với ông Leonid Volkov.

Người này cũng nói ông Leonid Volkov đã bị đưa vào danh sách truy nã tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ.

Ủy ban điều tra của Nga, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra những vụ án hình sự lớn của nước này, trước đó cho biết ông Volkov bị buộc tội dùng mạng xã hội kích động những người trẻ tham gia các cuộc tuần hành phi pháp.

Tại Nga, việc kêu gọi những người dưới 18 tuổi tham gia các cuộc biểu tình phi pháp có thể bị phạt tù tới 3 năm.

Chính quyền Nga trước đó gọi ông Volkov và một cộng sự khác của ông Navalny là "những kẻ phản bội" khi hối thúc Liên minh châu Âu trừng phạt các cá nhân có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc trao đổi trực tuyến với các đại diện của EU và một số nước phương Tây khác, ông Volkov kêu gọi EU áp đặt "các lệnh trừng phạt cá nhân" với những quan chức Nga để tạo ra thay đổi trong cách hành xử của Điện Kremlin.

Ông Volkov cũng là người được giới chức Nga chú ý nhiều nhất khi nằm trong "bộ sậu" của nhóm ông Navalny, lại tham gia nhiều hoạt động với giới chức phương Tây nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong các cuộc phỏng vấn truyền hình gần nhất cho biết, ông Volkov và Vladimir Ashurkov [một đồng minh thân cận khác của ông Navalny sống tại Vương quốc Anh] đã có một cuộc họp trực tuyến với Cơ quan đại diện thường trực của Ba Lan tại EU. Cuộc họp cũng có sự tham dự của các nước thành viên EU khác, như Mỹ và Anh. Cuộc họp đã xác định việc thúc đẩy biểu tình tại Nga sớm hơn kế hoạch và các phương tiện truyền thông xã hội Mỹ sẽ gia tăng lượng người tham gia bằng các thuật toán của họ.

Bà Zakharova cáo buộc ông Volkov và nhóm của Navalny là "những đặc vụ của NATO" chứ không còn hoạt động trên danh nghĩa đối lập Nga nữa.

Nhóm này cũng nhận được các khoản tiền hỗ trợ tài chính cực lớn từ phương Tây với mục tiêu "khuynh đảo" hệ thống chính trị Nga.

Navalny là cánh tay đắc lực của phương Tây?

Ông Alexei Navalny đã từng ra tranh cử Tổng thống với sự hỗ trợ đặc biệt của các nước phương Tây vào năm 2017, 2018.

Đi lên từ một blogger chuyên viết các bài viết về tham nhũng trong hệ thống Nga, ông Navalny đã điều hành "Quỹ đấu tranh chống tham nhũng FBK". Ông Navalny đã được đưa vào tầm ngắm điều tra trong nhiều năm do phát hiện các hồ sơ quỹ đen, che giấu nhiều khoản tiền bí ẩn từ phương Tây mà không khai báo thuế.

Chính trị gia đối lập Nga được phương Tây nhiệt tình ủng hộ.

Theo đó, một tài khoản của ngân hàng Alfa-Bank được mở theo tên của Giám đốc Quỹ FBK là ông Roman Rubanov. Theo các tài liệu được đăng tải trên Internet, các tài khoản ngân hàng này đã tích lũy những khoản tiền rất lớn mà không khai báo.

Trong năm 2014, số tài khoản mà ông Rubanov đã nhận được có tổng cộng khoảng 12,1 triệu rúp (khoảng 144 nghìn USD với tỷ giá vào thời điểm cuối năm 2014).

Năm 2015, con số này là 13,6 triệu rúp (khoảng 270 nghìn USD với tỷ giá vào thời điểm giữa năm 2015).

Tiền được chuyển qua hệ thống Cash-in và Recyling. Sau đó, từ tài khoản ngân hàng này, Roman Rubanov phân phối tiền cho các nhân vật Alexei Navalny, George Alburov, Leonid Volkov, Liubov Sobol, Anna Veduta và Vladislav Naganov…

Câu hỏi đặt ra là vì sao Roman Rubanov có số tiền lớn như vậy trong tài khoản cá nhân chứ không phải tiền của Quỹ FBK và các giao dịch chuyển tiền cho ông Alexei Navalny cùng các nhà báo, nhà hoạt động đối lập không được công khai trong hồ sơ giao dịch ở FBK?

Quỹ này có một tài khoản đặc biệt để gây quỹ và nếu một nhà tài trợ là minh bạch, không lẽ nào người đó lại gửi số tiền lớn vào tài khoản của ông Roman Rubanov chứ không phải thông qua quỹ này như một kênh giao dịch chính thức.

Trong các giả định, đây có thể là quỹ đen để thực hiện các chức năng: giấu giếm hoạt động tài trợ cho ông Navalny, trốn thuế, thanh toán "lương xám" cho một số lượng lớn người gắn bó thường xuyên với ông Navalny trong các hoạt động tại Nga-từ những đối tác và nhân viên FBK thân cận với ông Navalny cũng như đại diện của báo chí độc lập mà ông Alexei Navalny ca ngợi".

Ngoài ra, có khả năng tài khoản Rubanov không chỉ là quỹ đen để thanh toán cho các dịch vụ, mà còn là vỏ bọc để hợp pháp hóa các khoản có nguồn gốc không rõ ràng mà quỹ đã nhận được, để tổ chức này không bị xếp vào danh sách tình báo nước ngoài.

Năm 2013, ông Navalny đã lĩnh một bản án tù treo 5 năm vì liên quan tới vụ gian lận ở Công ty gỗ Nhà nước Nga mang tên Kirovles.

Năm 2014, ông này bị chịu tội trong một vụ biển thủ trị giá 500.000 USD liên quan đến công ty mỹ phẩm quốc tế Yves Rocher. Vụ việc khiến ông phải chịu thử thách 5 năm.

Sau đó, ông này tiếp tục bị lật tẩy một vụ ăn chặn tiền gây quỹ cá nhân. Một người đàn ông đã ủng hộ 860 USD cho Quỹ của ông này để tranh cử Tổng thống nhưng sau đó mới phát hiện ông này bị tù treo và luật pháp Nga cấm tham gia bầu cử.

Dù liên tiếp bị phạm tội, ông Navalny liên tục cho rằng đây là màn "chơi xấu" của chính quyền nhằm ngăn chặn tiếng nói chống tham nhũng của ông. Kỳ lạ là ông Navalny rất được phương Tây ủng hộ để "tạo một làn sóng" trên trường chính trị Nga.

Tuần trước, chính trị gia đối lập Navalny bị tuyên án ba năm tù vì vi phạm các quy định trong giai đoạn thử thách khi ông đang ở Đức để hồi phục sức khỏe sau khi bị đầu độc. Nhân cơ hội này, Mỹ và nhiều nước châu Âu, Liên minh EU đều đã lên tiếng phản đối Nga.

Trước đó, năm 2016, Tòa án Châu Âu về Quyền con người (ECHR) đã phán quyết chống lại sự kết án từ phía Tòa án Moscow về vụ biển thủ ngân quỹ của công ty gỗ Kirovles mà ông Navalny bị buộc tội. Phán quyết nghiêng về phía ông Navalny, yêu cầu Moscow trao cho các bị cáo là ông Navalny và một đồng phạm khác 80.000 euro tiền bồi thường.

Sự hỗ trợ của phương Tây với ông Navalny đến nay được cho là các động thái cho thấy sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ ở Nga, với việc các nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán đặt tại Nga cũng tham gia biểu tình để đòi trả tự do cho người vi phạm pháp luật Navalny, Moscow coi những động thái này là "không thể chấp nhận được".

Sự can thiệp với ý đồ chính trị rõ ràng như vậy đã buộc Nga phải ra tay ngăn chặn.

Trong các tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng: "NATO đã hướng dẫn 'phe đối lập', hay đúng hơn là các tác nhân gây ảnh hưởng của họ, về cách tiếp tục công việc phá hoại của họ một cách kín đáo hơn."

Trước khả năng nhóm của ông Navalny tiếp tục kích động bạo lực và biểu tình ở nước này, Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ ai vi phạm luật sẽ phải chịu trách nhiệm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi sẽ không chơi trò mèo vờn chuột với bất kỳ ai, chắc chắn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi sẽ buộc các bên phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm luật".

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-truy-na-cong-su-navalny-moi-nguy-thi-phai-loai-bo-3427432/