Nga-Trung sẽ thiết lập liên minh quân sự?

Các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga tham gia tuần tra chung trên Tây Thái Bình Dương hôm 22/12, một ngày sau khi hai nước cùng bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Theo giới quan sát, Mátxcơva và Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, lợi ích của họ không phải lúc nào cũng trùng khớp

Theo giới quan sát, Mátxcơva và Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, lợi ích của họ không phải lúc nào cũng trùng khớp

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói 4 chiếc H-6K của Trung Quốc và 2 chiếc Tu-95 của Nga cùng nhau bay qua Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông trong cuộc tập trận nằm trong chương trình hợp tác quân sự hằng năm. Theo SCMP, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov hôm 22/12 rằng, hai nước nên tìm cách “duy trì quan hệ ổn định trong một thế giới hỗn loạn”, trong khi chỉ trích các lệnh trừng phạt “đơn phương” của Mỹ.

Cuộc tuần tra là sự lặp lại một cuộc diễn tập tương tự do các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga tiến hành ở cùng khu vực vào tháng 7 năm ngoái. Các sự kiện làm dấy lên câu hỏi: Liệu Nga và Trung Quốc có tiến đến một liên minh quân sự? Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 nói rằng, hiện tại không cần thiết phải có một liên minh quân sự giữa hai nước láng giềng, nhưng một liên minh có thể được hình thành trong tương lai. Theo AP, ông Putin khi đó nói rằng, Nga đã tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc thông qua các cuộc tập trận chung và chia sẻ các công nghệ quân sự nhạy cảm.

“Không nghi ngờ gì nữa, sự hợp tác của chúng tôi với Trung Quốc đang củng cố khả năng phòng thủ của quân đội Trung Quốc”, ông Putin nói với các chuyên gia chính sách đối ngoại quốc tế. Ông nói thêm, mối quan hệ quân sự giữa Mátxcơva với Bắc Kinh một ngày nào đó có thể sâu sắc hơn nữa. “Thời gian sẽ cho thấy nó sẽ phát triển như thế nào… Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng này”, ông nói thêm. Khi được hỏi về khả năng một liên minh quân sự Nga-Trung, ông Putin nói: “Chúng tôi không cần, nhưng về mặt lý thuyết, hoàn toàn có thể hình dung ra nó”.

“Nhưng nếu đối với Nga, dưới các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc ngày càng trở thành một đối tác quan trọng khó có thể thay thế thì đối với Bắc Kinh, Mátxcơva có thể dễ dàng bị thay thế, vì hầu hết những gì họ cung cấp cho Trung Quốc đều có thể mua được ở chỗ khác”.
Ông Alexander Gabuev

Đến nay, Nga và Trung Quốc từ chối liên minh quân sự, thay vào đó là quan hệ đối tác chiến lược. Nga đã “xoay trục” về phía Trung Quốc sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, sự kiện dẫn đến các lệnh trừng phạt từ phương Tây và khiến quan hệ với Nga rơi xuống mức thấp kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông Putin nói, Trung Quốc và Đức đang hướng tới vị thế siêu cường về chính trị và kinh tế, trong khi vai trò của Mỹ, Anh và Pháp đã suy yếu. Bình luận của ông Putin về việc chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh một loạt nhà khoa học Nga bị cáo buộc chuyển giao bí mật quốc gia cho Trung Quốc trong những năm gần đây.

Tian Shichen, đại úy không quân Trung Quốc đã nghỉ hưu và là giám đốc Trung tâm Luật Hoạt động quân sự quốc tế ở Bắc Kinh, nói với South China Morning post rằng, cuộc tuần tra chung sẽ giúp xây dựng quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga nhưng không chắc hai bên sẽ thành lập một liên minh quân sự. Ông nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc đã thay đổi lập trường về việc thành lập liên minh quân sự với các nước khác”.

Theo một bài bình luận gần đây trên Moscow Times, nhật báo tiếng Anh hàng đầu ở Nga, trong nhiều năm, ông Putin và các quan chức cấp cao của Nga - và cả giới lãnh đạo Trung Quốc - luôn tuyên bố rõ ràng rằng, không có liên minh quân sự Nga-Trung trong chương trình nghị sự.

Mátxcơva và Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, lợi ích của họ không phải lúc nào cũng trùng khớp. “Ví dụ, Trung Quốc không công nhận Abkhazia hay Nam Ossetia là các quốc gia độc lập, và chính thức coi Crimea là một phần của Ukraine. Về phần mình, Nga không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc. Không bên nào muốn có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn về lợi ích của đối tác”, cây bút Alexander Gabuev viết.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ngatrung-se-thiet-lap-lien-minh-quan-su-1768654.tpo