Nga-Trung ra dự thảo muốn LHQ bỏ toàn bộ trừng phạt Triều Tiên

Việc Trung Quốc, Nga đề nghị dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên rất được chú ý khi hai nước có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Theo tin từ hãng Sputnik, Nga và Trung Quốc vừa đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đề nghị dỡ trừng phạt cho Triều Tiên và nhanh chóng khôi phục cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên.

Toàn bộ trừng phạt với Triều Tiên nên được dỡ bỏ

Dự thảo nghị quyết đề xuất loại trừ việc hợp tác liên Triều về đường sắt và đường bộ khỏi các lệnh trừng phạt của LHQ, đồng thời dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt trước đó lên Triều Tiên vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Dự thảo nghị quyết cũng “kêu gọi nhanh chóng khôi phục đàm phán hạt nhân sáu bên hoặc tái mở màn quá trình tham vấn đa phương với bất kỳ hình thức tương tự nào, với mục tiêu tạo điều kiện có được một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và xa hơn nữa và thúc đẩy việc cùng tồn tại hòa bình và hợp tác khu vực cùng có lợi ở Bắc - Đông Á”.

Dự thảo nghị quyết cũng cho rằng các nước thành viên LHQ phải bỏ yêu cầu tất cả công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải trở về nước vào thời hạn ngày 22-12.

Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Triều Tiên hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ LHQ, kể từ sau khi nước này thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006. Ảnh: SPUTNIK

Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Triều Tiên hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ LHQ, kể từ sau khi nước này thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006. Ảnh: SPUTNIK

Ngày bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này chưa được xác định, Sputnik dẫn thông tin từ một nguồn tin ngoại giao. Triều Tiên đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ LHQ, kể từ sau khi nước này thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006.

Nga, Trung Quốc - chỗ dựa lớn cho Triều Tiên

Sự xuất hiện của dự thảo nghị quyết đề nghị dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên rất được chú ý khi Trung Quốc và Nga là hai nước có vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên mà Mỹ đang dẫn đầu.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia từng nói để đạt được một sự dàn xếp hòa bình ở bán đảo Triều Tiên cần đến một giải pháp chính trị hơn là cản trở viễn cảnh hòa bình bằng trừng phạt và áp lực. Theo ông Nebenzia, Nga luôn ủng hộ các biện pháp cải thiện, xây dựng lòng tin để đạt được sự giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và LHQ cần hỗ trợ các nỗ lực này.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên tốt lên đáng kể sau khi ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo Triều Tiên năm 2011 và sau khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Ông Kim từng có bốn lần thăm Trung Quốc, từ tháng 3-2018 đến nay. Trong khi đó ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên sau 14 năm.

Triều Tiên thực hiện một vụ phóng tên lửa ở cơ sở phóng vệ tinh Sohae ở Tongch'ang-ri thuộc huyện Cholsan, tỉnh bắc Pyongan (Triều Tiên). Ảnh: AP

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16-12 rằng Hội đồng Bảo an LHQ không nên cân nhắc “dỡ bỏ trừng phạt sớm” với Triều Tiên trong bối cảnh nước này “đang đe dọa leo thang khiêu khích, từ chối gặp để bàn chuyện giải trừ hạt nhân”.

Kết thúc buồn cho đàm phán Mỹ-Triều

Hồi tháng 10, Triều Tiên đưa ra thời hạn đến cuối năm nay cho Mỹ để có được thỏa thuận mà hai bên đồng ý được nhằm thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân. Đến đầu tháng 12, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song tuyên bố nước này chấm dứt đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ, vì “cuộc đối thoại thực chất và kéo dài” mà phía Mỹ tìm kiếm thực chất là một “trò câu giờ” của Mỹ để phục vụ cho các mục đích chính trị nội địa của mình.

Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song tại cuộc họp báo ở New York (Mỹ) ngày 7-12. Ảnh: REUTERS

Một ngày sau tuyên bố của ông Kim Song, Triều Tiên thông báo vừa thực hiện thành công một vụ phóng thử nghiệm “có ý nghĩa lớn” ở cơ sở phóng vệ tinh Sohae. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thì vụ thử nghiệm này liên quan đến khả năng thay đổi chủ trương của Triều Tiên trong thời gian tới. Còn theo Sputnik thì vụ thử nghiệm này đe dọa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyết tâm của Mỹ trong việc theo đuổi mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán ngoại giao.

Ngày 16-12, Tổng thống Donald Trump nói với báo chí rằng chính phủ của ông sẽ quan sát chặt Triều Tiên, trong bối cảnh có thông tin Triều Tiên khôi phục thử tên lửa.

“Chúng tôi sẽ quan sát. Chúng ta chờ xem. Tôi sẽ thất vọng nếu có gì đó đang chuẩn bị tiến hành. Và nếu có, chúng tôi sẽ lo liệu việc đó. Nhưng chúng ta sẽ chờ xem…” - ông Trump nói.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ngatrung-ra-du-thao-muon-lhq-bo-toan-bo-trung-phat-trieu-tien-878076.html