Nga, Trung Quốc và khả năng định hình trật tự thế giới mới

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau khi cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vừa diễn ra trong các ngày 15 - 16.9 và có cuộc hội đàm trực tiếp bên lề hội nghị. Theo giới phân tích, mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đang ngày càng tạo thêm được nhiều động lực trên cả cơ sở song phương lẫn quốc tế, có khả năng định hình lại trật tự thế giới.

“Thực tế mới đang tới”

Trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh là ủng hộ Moscow. Ngoài sự tương đồng giữa 2 bên trong mục tiêu chiến lược là đối trọng lại với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc còn nhắm vào nhiều mối lợi khác khi siết chặt thêm quan hệ với Nga.

Trước đó, hôm đầu tuần (12.9), theo AFP, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng phát biểu, đất nước gấu trúc sẵn sàng cùng Nga định hình trật tự quốc tế theo hướng “công bằng và hợp lý hơn”, bảo vệ lợi ích chung của hai bên trong cuộc gặp Đại sứ Nga tại nước này Andrey Denisov.

Chưa hết, hôm 4.9, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư cũng có chuyến thăm tới Nga. Chuyến đi giúp ông trở thành nhân vật quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đến xứ sở Bạch Dương kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra đến nay. Trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư ca ngợi sự tin cậy và hợp tác “ở mức độ chưa từng có” giữa Moscow và Bắc Kinh.

Nga và Trung Quốc tin rằng, những giá trị làm nên trật tự thế giới hiện nay đang trao cho Mỹ quá nhiều quyền lực. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất của thế giới. Theo ông Fyodor Lukyanov, chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga, trật tự đơn cực “cho phép Mỹ tự do hành động trên trường quốc tế”.

Hôm 14.9, đài RT dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Nga và Trung Quốc đều nhất trí rằng thế giới đơn cực không thể tồn tại và “thực tế mới” đang đến. Theo ông Peskov, Moscow và Bắc Kinh không chấp nhận việc nhóm “tỷ vàng” (Golden billion) cho rằng mình có quyền nghĩ ra các quy luật kinh tế, chính trị và áp đặt ý chí lên các quốc gia khác. “Tỷ vàng” là cách người Nga thường gọi nhóm dân giàu có ở Mỹ, EU và các nước phương Tây khác.

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Mối quan hệ không giới hạn

Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau hơn, xây dựng mối quan hệ “không có giới hạn”, đối trọng với tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ. Thực tế, Nga cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, kể từ khi bị phương Tây áp các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Cho đến nay, về xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc không công khai ủng hộ, nhưng cũng không lên án hành động của Nga. Bắc Kinh chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Moscow và việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mặc dù không kết liên minh quân sự chính thức nhưng Trung Quốc và Nga vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung...

Trong khi Trung Quốc không cung cấp cho Nga sự hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm bớt các lệnh trừng phạt, đất nước gấu trúc đã mở rộng quan hệ đối tác thương mại với nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác quốc tế. Theo Bloomberg, khoảng 81% lượng ô tô nhập khẩu của Nga trong quý II đến từ Trung Quốc, trong khi thương hiệu điện thoại Xiaomi của Trung Quốc trở nên phổ biến nhất ở Nga trong cùng thời gian. Trung Quốc cũng là một nước tiêu thụ nhiên liệu đáng tin cậy của Nga, mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 15.9 cho biết, đường ống của Nga tới Trung Quốc sẽ thay thế đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu bị từ bỏ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya -1 về việc liệu Nga có thay thế Dòng chảy phương Bắc 2 bằng đường ống Sức mạnh Siberia 2 hay không, ông Novak đã khẳng định là “có”. Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, quan chức này cho hay Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp “50 tỷ mét khối khí đốt” mỗi năm qua đường ống “Sức mạnh Siberia 2” trong tương lai. Khối lượng này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 đã ngừng hoạt động kể từ ngày 2.9. Đường ống Sức mạnh Siberia 2, có một phần đi qua Mông Cổ, sẽ thúc đẩy nền kinh tế tiêu tốn năng lượng của Trung Quốc. Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024. Theo một số nhà bình luận, đường ống này là bước phát triển lớn có tầm quan trọng chiến lược khi Tổng thống Nga Putin đang muốn xoay trục sang châu Á trong bối cảnh điện Kremlin kết luận rằng mối quan hệ Nga - Mỹ là không thể cứu vãn và các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng phương Tây lên nước này là “vô thời hạn”.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/nga-trung-quoc-va-kha-nang-dinh-hinh-trat-tu-the-gioi-moi-i300921/