Nga, Trung Quốc ủng hộ Venezuela

Venezuela không có nguồn thu nhập đáng kể nào khác ngoài lượng dầu mỏ bán ra nước ngoài

Cuộc khủng hoảng nợ của Venezuela bớt căng thẳng hơn đôi chút sau khi Moscow ký thỏa thuận tái cấu trúc nợ, còn Bắc Kinh bày tỏ tin tưởng vào khả năng trả nợ của Caracas.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tham dự sự kiện với những người ủng hộ ở Caracas ngày 15-11Ảnh: REUTERS

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tham dự sự kiện với những người ủng hộ ở Caracas ngày 15-11Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận tái cấu trúc nợ với Nga kéo dài thời hạn Venezuela phải trả cho Nga trong vòng 10 năm, đồng thời cho phép Caracas trả những khoản "tối thiểu" cho Moscow trong vòng 6 năm đầu. Phái đoàn do Bộ trưởng Tài chính Venezuela Simon Zerpa dẫn đầu đã ký thỏa thuận tái cấu trúc số nợ 3,15 tỉ USD mà Caracas đã vay năm 2011 để mua vũ khí Nga. "Đây là những điều khoản rất có lợi cho Venezuela. Thỏa thuận này làm củng cố quan hệ giữa 2 nước" - Phó Tổng thống Wilmar Castro nhấn mạnh.

Bộ Tài chính Nga cho biết thỏa thuận trên sẽ tạo điều kiện để Venezuela dành nhiều tiền hơn cho phát triển kinh tế, cải thiện khả năng thanh toán và làm tăng cơ hội trả nợ cho tất cả chủ nợ. Tuy nhiên, bộ này không đề cập khoản tiền 6 tỉ USD mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) nợ Công ty Dầu khí Rosneft của Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết Venezuela không đề nghị Nga bất kỳ sự giúp đỡ nào khác ngoài thỏa thuận đã ký.

Trong khi đó, theo Reuters, Trung Quốc không có động thái giãn nợ nào dành cho Venezuela như Nga. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định sự hợp tác giữa nước này và Venezuela - đang nợ Bắc Kinh 23 tỉ USD - vẫn diễn ra bình thường, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Caracas có khả năng xử lý thỏa đáng vấn đề nợ. Theo tờ Nikkei Asian Review, Venezuela xem ra chỉ còn biết tìm đến sự giúp đỡ của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh hy vọng về một sự tự hồi phục ngày càng nhạt dần. Tuy nhiên, một số chuyên gia không tin Moscow và Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục cho Caracas vay để sinh tồn.

Trước đó, theo thông báo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P’s hôm 13-11, Venezuela đã lâm vào tình trạng "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi không thể trả được khoản nợ trái phiếu 200 triệu USD ngay cả sau khi đã được gia hạn thêm 30 ngày. Venezuela phải trả nợ hơn 1 tỉ USD vào cuối năm nay - một điều được giới quan sát đánh giá là không thể.

Đến ngày 15-11, S&P’s xếp PDVSA vào loại "phá sản có chọn lọc" sau khi công ty này không thể trả lãi cho khoản nợ của mình.

S&P’s có động thái nói trên sau khi cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami và một số chủ nợ hôm 13-11 khép lại mà không có kết quả nào. Sự kiện này lẽ ra là cơ hội để Venezuela tìm kiếm sự tái cơ cấu các các khoản nợ được cho là lên đến 196 tỉ USD của mình. Thế nhưng, với sự vắng mặt của nhiều chủ nợ, Caracas không đưa ra đề xuất cụ thể nào cũng như không có cuộc thảo luận thực chất giữa hai bên.

Thay vào đó, họ chỉ nghe ông Aissami phàn nàn chuyện Venezuela vừa gánh chịu lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ vừa bị buộc phải rời khỏi các hệ thống tài chính.

Theo trang Nikkei, chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lâu nay vẫn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì đường lối độc tài, kể cả hành động trấn áp phe đối lập. Trái với Hy Lạp, việc tìm kiếm giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không phải là sự lựa chọn đối với Venezuela.

Trong khi đó, quốc gia châu Mỹ này lại không có nguồn thu nhập đáng kể nào khác ngoài lượng dầu mỏ bán ra nước ngoài. Giới chuyên môn lo ngại cuộc khủng hoảng vỡ nợ kéo theo một loạt sự cố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và phương tiện y tế ở Venezuela giữa lúc nước này đang bị phương Tây trừng phạt.

LỤC SAN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-trung-quoc-ung-ho-venezuela-20171116215817901.htm