Nga-Trung: Quan hệ quyền lực kiểu mới

Rất khó để gọi tên mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung hiện nay theo khái niệm thông thường. Mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố chưa sẵn sàng trở thành đồng minh theo nghĩa truyền thống, nhưng hai cường quốc Á - Âu đã quết tâm tăng cường quan hệ chiến lược của họ lên mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Quan hệ Nga-Trung được xem là quan hệ “quyền lực kiểu mới”, tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt, từ thám hiểm vũ trụ đến hợp tác hạt nhân mà không cần trở thành liên minh. (Nguồn: Sputnik)

Quan hệ Nga-Trung được xem là quan hệ “quyền lực kiểu mới”, tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt, từ thám hiểm vũ trụ đến hợp tác hạt nhân mà không cần trở thành liên minh. (Nguồn: Sputnik)

Kể từ khi Trung Quốc và Nga thúc đẩy “mối quan hệ quyền lực kiểu mới”, theo đó tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, hai bên lập luận rằng “chính trị quyền lực” truyền thống dựa trên liên minh và đối đầu chỉ còn là tàn dư của quá khứ và rõ ràng đã lỗi thời trong thế kỷ XXI.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều thăng trầm trong một thế kỷ qua, Trung Quốc và Nga đã củng cố vững chắc mối quan hệ chiến lược, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực chủ chốt cũng như lợi ích cốt lõi của hai nước.

Ngoại trưởng Nga Segei Lavrov từng nói: “Chúng tôi đã xây dựng được sự đồng thuận trong đánh giá tình hình quốc tế và chia sẻ lợi ích chung trong cách tiếp cận đối với các công việc phải giải quyết theo thẩm quyền của Liên hợp quốc. Chắc chắn có lúc chúng tôi cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề một cách chân thành, tôn trọng thực tế, và tất nhiên là trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.

Câu nói của ông Lavrov ám chỉ rằng quan hệ quốc tế kiểu mới do Bắc Kinh và Moscow gây dựng sẽ đóng góp tích cực vào sự ổn định của trật tự quốc tế.

Từ thám hiểm mặt trăng đến hợp tác hạt nhân

Hợp tác Trung - Nga đáng chú ý trong nhiều lĩnh vực.

Hồi tháng 4, kế hoạch lập cơ sở nghiên cứu mặt trăng song phương được xem như một mô hình thu nhỏ cho các động thái địa chính trị lớn hơn bởi vì hai cường quốc vũ trụ và hạt nhân hướng đến việc thay đổi trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu.

Theo nhận xét của một chuyên gia về khoa học vũ trụ của Mỹ, một trạm nghiên cứu mặt trăng do Bắc Kinh và Moscow cùng vận hành sẽ đặt ra cho Washington một thách thức không thể vượt qua trong cuộc chạy đua lên mặt trăng của thế kỷ XXI.

Đồng tình với nhận xét trên, nhà khoa học chính trị Graham Allison cũng cho rằng, kế hoạch phát triển Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế Trung - Nga là sự tiếp tục xu hướng đang phát triển của việc xây dựng một hệ thống an ninh thay thế.

Tiếp đó, ngày 19/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi động dự án năng lượng hạt nhân Trung - Nga thông qua lễ khai trương trực tuyến. Nhân kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện Trung - Nga, dự án mang tính đột phá này là một dấu mốc quan trọng của mối quan hệ nước lớn kiểu mới.

Hợp tác năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa Trung Quốc và Nga. Theo đó, dự án này đã chứng thực việc cùng xây dựng 4 lò phản ứng VVER-1200 tại hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc. Các khía cạnh của dự án hợp tác chung được đánh giá cao bởi Chủ tịch Trung Quốc, người đồng chủ trì lễ khai mạc.

Khi chọn dự án làm chủ đạo, ông Tập đã kêu gọi thiết lập một hình mẫu về hợp tác năng lượng hạt nhân toàn cầu bằng cách tuân thủ yêu cầu “đặt an toàn lên hàng đầu”. Ông cũng nói rằng dự án sẽ làm sâu sắc hơn việc hợp tác công nghệ năng lượng hạt nhân theo sự thôi thúc của đổi mới.

Kết quả, dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển đồng thời hệ thống quản trị của ngành năng lượng toàn cầu tuân theo chủ nghĩa đa phương.

Nhắc lại những phát biểu của ông Tập, Tổng thống Putin cũng bày tỏ sự tin tưởng về mối quan hệ hợp tác chiến lược trong một loạt các lĩnh vực rộng lớn hơn.

Dự án chung này bắt nguồn từ sự hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga vào năm 2018. Do đó, việc khởi động thành công dự án trong năm nay thể hiện kết quả hữu hình của hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân và đổi mới công nghệ cao, dự kiến sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong một phạm vi rộng hơn của các lĩnh vực, bao gồm cả những gì mà hai bên đã thảo luận về sự hợp tác không gian trước đây.

Các lĩnh vực khác

Hiện nay kể từ khi hai nước cam kết chuyển sang nền kinh tế xanh và chống biến đổi khí hậu, việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự đang trở thành lĩnh vực hứa hẹn nhất. Dự án này được coi là một bước đi cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và khuyến khích các cam kết đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon.

Để đạt được mục tiêu đó, hai bên tận dụng tối đa lợi thế so sánh về cơ cấu kinh tế, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng ở các nơi khác trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược, thay vì thành lập liên minh, với mục tiêu bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì nhằm vào bên thứ ba.

Bắc Kinh và Moscow đã nhắc lại nhiều lần, đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai bên cùng muốn hợp tác chân thành để đối đầu với các thách thức xuyên quốc gia, phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và cải thiện quản trị toàn cầu. Hai bên có nhiều cam kết cắt giảm mạnh hơn lượng khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng than và chuyển sang các công nghệ như gió, năng lượng mặt trời, hạt nhân hoặc thu giữ carbon.

Từ những nội dung đề cập ở trên, có thể nói, Trung Quốc và Nga đã cùng nhau đặt mục tiêu chuyển quan hệ đối tác chiến lược của họ sang một kỷ nguyên mới của hợp tác không gian và năng lượng hạt nhân.

Cả Trung Quốc và Nga chắc chắn thuộc “nằm lòng” những bài học từ thảm họa hạt nhân Chernobyl và Fukushima. Do đó, họ quyết tâm đóng góp nhiều vào các vấn đề môi trường và an toàn hạt nhân, đồng thời nêu gương cho hợp tác năng lượng hạt nhân toàn cầu.

Các bên sẽ kiên trì theo hướng đổi mới công nghệ và đào sâu vào quản lý năng lượng hạt nhân theo cách chặt chẽ hơn. Trong thế kỷ XXI, công nghệ cao đã trở thành một chỉ số quan trọng cho sức mạnh toàn diện của quốc gia, thuật ngữ “thúc đẩy đổi mới” không chỉ xuất hiện nhiều lần trong các chính sách đối nội của Bắc Kinh mà còn được đề cao trong chính sách đối ngoại của nước này.

Do đó, sự hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sẽ làm tăng đòn bẩy và vị thế của hai nước trong các vấn đề quản trị năng lượng toàn cầu.

Tóm lại, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời kỳ mới sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ phát triển tương đối cao. Điều này không chỉ xuất phát từ lợi ích thực tế của hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghệ cao như vũ trụ và năng lượng hạt nhân, mà còn nhờ sự đồng thuận chiến lược và niềm tin chung mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm trên thế giới vốn đang đầy rẫy những những kẻ khủng bố, những người theo chủ nghĩa đơn phương và kẻ thích phiêu lưu chiến tranh.

(theo Modern Diplomacy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-trung-quan-he-quyen-luc-kieu-moi-146605.html