Nga - Trung: Quan hệ phức tạp

Moscow vẫn âm thầm cảnh giác trước những ý định của Bắc Kinh ở Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)

Nga vừa tiến hành cuộc tập trận lớn chưa từng có ở Siberia. Cuộc tập trận mang tên Vostok này có sự tham gia của 300.000 binh sĩ Nga, hơn 1.000 máy bay, nhiều xe tăng và tàu chiến. Đáng chú ý, Trung Quốc cử hơn 3.000 binh sĩ, cũng như máy bay và các loại phương tiện quân sự khác, tham gia cuộc tập trận, biến nơi đây trở thành cuộc tập trận chung lớn nhất của Trung Quốc và Nga trong nhiều năm qua.

Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây vì cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ và những tranh cãi kéo dài liên quan đến hoạt động của Nga ở Syria và Ukraine. Căng thẳng cũng đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington tăng cường chiến tranh thương mại với Bắc Kinh và xem nước này là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" trong các chiến lược an ninh quốc gia chủ chốt.

Đối với một số nhà phân tích, cuộc tập trận Vostok là một dấu hiệu nữa để thúc đẩy ý niệm rằng Trung Quốc và Nga đang trở thành bán đồng minh, chia sẻ lợi ích trong việc đối phó Mỹ và sự thống trị của phương Tây tại các định chế quốc tế.

Đúng là Bắc Kinh và Moscow đang chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích. Quan hệ ngoại giao đóng băng với phương Tây, kết hợp với nỗi khao khát được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh về quân sự, kinh tế của Trung Quốc, đã đẩy Moscow đến gần Bắc Kinh hơn. Trong khi đó, Trung Quốc nhìn sang Nga như một đối tác mạnh mẽ để giảm bớt áp lực từ Mỹ và mạng lưới đồng minh của nước này ở châu Á, nhất là Nhật Bản. Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng do cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Đầu năm nay, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên dường như chính thức hóa mối quan hệ đối tác chiến lược. Tuyên bố chung nêu rõ hai nước tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực, đẩy mạnh tiếp xúc và điều phối giữa các lực lượng vũ trang… và cùng nhau đối phó những thách thức nhằm vào an ninh toàn cầu và khu vực.

Khía cạnh kinh tế của mối quan hệ này cũng tăng trưởng và kim ngạch thương mại song phương dự kiến vượt qua 100 tỉ USD trong năm nay. Hai bên nhắm mục tiêu tăng gấp đôi con số này vào cuối năm 2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần IV ở Vladivostok - Nga hôm 11-9. Ảnh: REUTERS

Thế nhưng, trong khi Nga và Trung Quốc ngày càng có nhiều điểm chung chiến lược, thực tế là sự ngờ vực giữa 2 bên vẫn còn và có nguy cơ gây chia rẽ về lâu dài bất chấp sự nồng ấm hiện nay. Trước hết, về địa kinh tế, Moscow vẫn âm thầm cảnh giác trước những ý định của Bắc Kinh ở Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Ngoài mặt, Nga ủng hộ BRI như một động lực giúp phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện sự kết nối chuỗi cung ứng khắp khu vực. Tuy nhiên, đằng sau sự hậu thuẫn này là nỗi lo âm ỉ rằng Trung Quốc có thể ít nhiều đang tìm cách lật đổ sự thống trị của Nga trong khu vực. Ngoài ra, Moscow còn lo ngại về sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc ở miền Viễn Đông Nga, động thái vừa đem lại lợi ích kinh tế nhưng cũng có nguy cơ gây bất lợi cho doanh nghiệp Nga và lợi ích ngày càng tăng của nước này tại vùng Bắc Cực.

Vẫn còn nhiều điều cần quan sát về cục diện nói trên. Một ví dụ là mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản - vốn đang dần cải thiện dưới thời Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai bên vẫn còn dính vào cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ đối với quần đảo Nam Kuril (phía Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc). Bất chấp cả hai bên đều khẳng định mong muốn giải quyết tranh chấp này, họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào đối với số phận quần đảo trên.

Khúc mắc này không làm chậm lại đà tiến của mối quan hệ khi cả Tokyo và Moscow dường như đều nhận thức rõ điều này giúp họ đương đầu tốt hơn với nước lớn. Trong trường hợp của Nhật Bản, đó là Trung Quốc. Với Nga, đó là Mỹ. Mong muốn của Nga trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản - bất chấp chưa chịu nhượng bộ về vấn đề quần đảo Kuril - là một dấu chỉ khác cho thấy Moscow thích giữ thế cân bằng ở Viễn Đông hơn là đồng bộ hóa hoàn toàn với Bắc Kinh.

Yếu tố then chốt cuối cùng là mối quan hệ với Washington. Không hề trùng hợp khi sự thống nhất các lợi ích Trung - Nga hiện nay gắn liền với mâu thuẫn giữa 2 nước này với Mỹ và các đồng minh, đối tác của Washington. Hướng tiếp cận sắp tới của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc, cộng với sự hiện diện của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển quan hệ Moscow - Bắc Kinh.

NGÔ SINH (Lược dịch theo kênh Al-Jazeera)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-trung-quan-he-phuc-tap-20180921202151295.htm