Nga-Trung có đỡ nổi Venezuela khi Mỹ sắp ra đòn dầu mỏ?

Washington có thể cấm vận ngành dầu mỏ Venezuela, sản lượng của Venezuela có thể chỉ dưới mức 1 triệu thùng.

Nhà cung cấp thông tin về năng lượng S&P Global Platts tiết lộ, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã phát đi cảnh báo với một vài công ty lọc dầu của Mỹ rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào việc xuất khẩu dầu thô của Venezuela đang được cân nhắc.

Mỹ dự định sẽ áp cấm vận lên ngành dầu mỏ Venezuela.

Theo ông Joe McMonigle, nhà phân tích của công ty kiểm soát rủi ro Hedgeye, nỗ lực của chính quyền Mỹ chủ yếu nhằm vào lượng nhập khẩu gần 500.000 thùng dầu của Mỹ từ Venezuela.

Vào tháng 10/2018, các hãng lọc dầu của Mỹ đã nhập khẩu 505.870 thùng dầu từ Venezuela, giảm 1/3 so với 5 năm trước và thấp nhất kể từ năm 1989, theo số liệu từ Refinitiv Eikon và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA.

2 năm trước, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt cấm mua bán nợ công và tài sản của chính quyền Venezuela và công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA. Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách đen nhiều quan chức cấp cao của Venezuela, bao gồm cả Tổng thống Nicolas Maduro.

Được biết, Chính phủ Mỹ chưa thể quyết định lệnh cấm vận dầu mỏ với Venezuela do điều này có thể bị đổ lỗi làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra.

Lệnh cấm vận có thể được phát đi của Mỹ sẽ khiến tình hình sản xuất dầu của Venezuela rơi vào khủng hoảng sâu thêm nữa.

Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) cho thấy Venezuela đang sản xuất 1,25 triệu thùng dầu vào tháng 12/2018, giảm từ mức 1,28 triệu vào tháng 11/2018.

EIA dự đoán sản lượng của Venezuela sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, trong khi tình hình tài chính của công ty PDVSA sẽ còn tồi tệ hơn.

Theo EIA, sản lượng có thể dưới mức 1 triệu thùng vào nửa đầu của 2017 và 700.000 thùng vào 2020.

Sản xuất dầu của Venezuela đang rơi tự do vì thiếu vốn để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của PDVSA và các mỏ dầu, trong khi đất nước đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và kinh tế nghiêm trọng.

Venezuela đang vật lộn để hoàn thành các hợp đồng cung cấp dầu thô, gồm các hợp đồng gắn với các hiệp ước đổi dầu lấy khoản vay cho các công ty của Nga và Trung Quốc. Doanh thu xuất khẩu không đủ khiến người dân Venezuela chịu đựng lạm phát cao và thiếu hàng hóa cơ bản.

Trong bối cảnh thiếu thốn đầu tư cho ngành dầu mỏ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tìm mọi cách để khôi phục lại Công ty dầu khí quốc doanh PDVSA thông qua các hợp đồng khai thác dầu mỏ với công ty quốc tế như Pháp, Trung Quốc, Mỹ...

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa ông Maduro và Quốc hội Venezuela đã ngăn cản các hợp đồng kinh tế này được hiện thực hóa.

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị đang có nhiều biến động ở Venezuela, trang Foreign Policy cho rằng, sự quan tâm của Trung Quốc là nhằm mục đích khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và củng cố làn sóng tách rời Mỹ.

"Trung Quốc- Một bậc thầy trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư kinh tế trực tiếp để thúc đẩy lợi ích địa chính trị, trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu từ bảy quốc gia Mỹ Latinh và đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của 5 quốc gia ở đây" - tờ báo viết.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro liệu có cứu nổi ngành dầu mỏ dựa vào Trung Quốc?

Nếu trường hợp Mỹ áp đặt cấm vận với Venezuela, Trung Quốc sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có này để tăng dần sự hiện diện của họ để khai thác dầu mỏ tại quốc gia Nam Mỹ này.

Dẫu vậy, một thực tế cho thấy là làn sóng đầu tư của Trung Quốc trên thế giới đang "có vấn đề". Nợ và bẫy nợ được mô tả như những đặc điểm cơ bản của đầu tư Trung Quốc khiến hiệu quả các dự án mà Bắc Kinh đầu tư không cao.

Như vậy, hoàn toàn có rủi ro trong việc Venezuela muốn dựa hoàn toàn vào sức mạnh kinh tế Trung Quốc để tiếp tục bán dầu lấy khoản vay hòng chống lại cấm vận của Mỹ trong tương lai.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-trung-co-do-noi-venezuela-khi-my-sap-ra-don-dau-mo-3373089/