Nga trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ

Cuộc đối đầu Trung-Mỹ đã bước vào giai đoạn gay gắt, các nhà quan sát cho rằng có thể được gọi là một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Yếu tố Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến tương tác giữa Moscow và Bắc Kinh, trong tình hình này Nga sẽ điều chỉnh sách lược như thế nào để đảm bảo lợi ích cho mình?

Nga trong mối quan hệ Mỹ-Trung

Các chuyên gia quốc tế nhận định, kể từ cuối những năm 1970 trong thời kỳ chiến tranh lạnh Xô-Mỹ, Washington đã hy vọng rằng Trung Quốc, quốc gia đang tiến hành cải cách thị trường, sẽ từng bước thay đổi, sẽ lấy nền dân chủ phương Tây làm hình mẫu. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.

Vài thập kỷ sau, Washington đã nhận thức được rằng, không nên mong đợi gì vào việc Bắc Kinh bắt đầu thực hiện tiến trình tự do hóa và dân chủ hóa theo kiểu phương Tây; do đó quan hệ Mỹ-Trung đã dần xấu đi nghiêm trọng.

Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ đối tác với Moscow

Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ đối tác với Moscow

Hầu như hàng ngày Washington đưa ra những tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với quan chức nước này, cấm hoạt động hoặc đóng cửa những công ty và tổ chức của Trung Quốc.

Mặc dù có thể thấy sự khác nhau trong quan điểm giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề Trung Quốc, nhưng hai đảng vẫn có sự đồng thuận cao về việc Bắc Kinh sẽ là đối thủ địa-chính trị, kinh tế, quân sự lớn nhất và giữa hai nước sẽ không có quan hệ hữu hảo.

Trong tình huống phức tạp này, cả hai bên đều tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài nhưng hầu hết các quốc gia ở đông bán cầu đều không muốn đứng trước sự lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Mặc dù trong 4 năm qua ông Donald Trump đã gây nhiều bất hòa với cả châu Á và châu Âu, Washington vẫn có những đối tác trung thành, trong khi Trung Quốc rõ ràng là thiếu những đối tác như vậy.

Đã xuất hiện tam giác chiến lược Nga-Trung-Mỹ, khi Washington đang cố gắng kéo nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc vào liên minh chống Bắc Kinh.

Ông Trump bóng gió về việc ông Putin có thể quay trở lại định dạng G8, hoặc ít nhất là Nga có thể “được” tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng, liên minh này có lợi cho Điện Kremlin, bởi vì trong hoàn cảnh này (không rõ hoàn cảnh nào) Trung Quốc đang đe dọa Nga.

Vấn đề đáng lưu ý là quan hệ Mỹ-Trung xấu đi không đồng nghĩa với việc quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện.

Theo giới phân tích, hầu như không xảy ra khả năng Moscow đồng ý ngồi “ghế phụ” bên bàn đàm phán cùng với Mỹ, nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và coi Nga là nguy cơ ngang hàng với Triều Tiên, Iran và Trung Quốc.

Nhưng Nga có thể hưởng lợi từ cuộc đối đầu Trung-Mỹ, vì yếu tố Mỹ cũng ảnh hưởng lớn đến tương tác với Bắc Kinh và yếu tố Trung Quốc cũng có thể là một con bài để Moscow mặc cả với Washington.

Tình huống này tạo ra những cơ hội mới, cũng như rủi ro mới cho việc phát triển mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, trong tam giác quyền lực Nga-Trung-Mỹ.

Nga-Trung: Đồng minh chính trị và quân sự?

Theo truyền thống, trong mấy thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc có sự tương thông và phối hợp hành động khi tình hình quốc tế trở nên phức tạp hơn.

Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Moscow và Bắc Kinh ngăn chặn các sáng kiến của Mỹ và thường biểu quyết thông qua quyết định của nhau. Bên cạnh đó, hai nước cùng nhau vận động chuyển đổi sang mô hình thế giới đa cực.

Ông Sergey Sanakoev, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Nga-Trung, cho biết điều chính yếu đang xảy ra trên thế giới là làn sóng phản đối ngày càng tăng đối với “Pax Americana” (Hòa bình kiểu Mỹ).

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc - mà đây là hơn một nửa nhân loại - không muốn sống như vậy, họ cần đến một thế giới đa cực ổn định hơn với sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đồng tiền, các công nghệ và cả các hệ tư tưởng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một số quốc gia đang đoàn kết lại để chống Hoa Kỳ. Ông Sanakoev nhấn mạnh, Moscow sẽ không bao giờ kết bạn với Bắc Kinh nhằm mục đích chống lại ai đó.

Hai nước đã đạt đến mức độ quan hệ đối tác chiến lược bởi vì Nga và Trung Quốc là hai nước láng giềng với đường biên giới dài và cần đến một quan hệ láng giềng thân thiện.

Chuyên gia Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Kinh tế cao cấp Moscow nói rằng, yếu tố Mỹ cũng tác động đến sự hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc, hình thành một liên minh quốc phòng “không chính thức” giữa hai nước, vì về mặt hình thức, Moscow và Bắc Kinh không có bất cứ cam kết gì trong quan hệ quốc phòng.

Năm 1997, hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sự hiện diện quân sự trên đường biên giới chung và hàng chục năm qua cũng thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận chung.

Giai đoạn đầu tiên vào giữa những năm 2000, đó là các cuộc tập trận chống khủng bố, nhưng sau đó các cuộc diễn tập bắt đầu mang tính chất công nghệ cao và tiên tiến hơn.

Điều đó thể hiện rõ ràng rằng Nga và Trung Quốc đang trao đổi kinh nghiệm và củng cố khả năng tương tác khi phải đối đầu với một đối thủ mạnh từ nước ngoài, đó chỉ có thể là Hoa Kỳ.

Ngoài ra, các cuộc tập trận còn nhắm tới những yếu tố khác, chẳng hạn như lo ngại về sự ổn định ở Trung Á và ý muốn duy trì sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực quốc phòng.

Nhờ các cuộc tập trận và trao đổi phái đoàn quân sự, hai bên nhận được nhiều thông tin hữu ích. Nga không công bố những bản đánh giá sức mạnh quân sự của Trung Quốc như Mỹ, nhưng tất nhiên là cơ quan quân sự Nga biết nhiều hơn về vấn đề này. Moscow cảm thấy tự tin, phân biệt được đâu là tin giả, đâu là thực tế và hiểu rõ khả năng quân sự của Bắc Kinh.

Thương chiến Trung-Mỹ: Cơ hội và thách thức của Nga

Theo báo cáo của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), do cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cho phép nhập khẩu đậu nành từ tất cả các khu vực của Nga, đồng thời yêu cầu các công ty quốc doanh phải đình chỉ mua đậu nành từ Mỹ.

Tuy nhiên, Nga không có đủ tiềm lực để thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc mua 89% số lượng đậu nành xuất khẩu của Nga, nhưng chỗ đó chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của Bắc Kinh.

Tuy nhiên Moscow cũng có những sản phẩm khác có thể cạnh tranh với hàng Mỹ do chi phí vận chuyển thấp và không có quy định kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt, ví dụ như lúa mì và thịt bò.

Các lĩnh vực ưu tiên khác là công nghệ và năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và những lo ngại về sự an toàn của các tuyến đường biển.

Năm 2019, đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” (Power of Siberia) có khả năng cung cấp tới 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm đã được đưa vào vận hành. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án Yamal LNG, khí hóa lỏng của Nga cũng đang được cung cấp cho Trung Quốc.

Hiện nay, hợp tác về không gian, hàng không, công nghệ thông tin, các công nghệ điện toán đám mây độc lập giúp tạo ra các nền tảng của riêng Nga và Trung Quốc để thay thế cho Cơ chế thanh toán quốc tế SWIFT.

Nga không có nhiệm vụ thay thế Hoa Kỳ trên thị trường Trung Quốc, mà hai bên đang phát triển tất cả những dự án này để cùng nhau phát triển, cùng nhau hợp tác.

Về nguyên tắc, nhiệm vụ này là khả thi, vấn đề là hai bên phải chuyển sang một cấp độ cao hơn trong tương tác kinh tế, tức là hội nhập sâu rộng hơn.

Xét trong mọi trường hợp, tình hình đang có lợi cho Nga vì Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ đối tác với Moscow.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro nhất định trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Moscow hiểu rằng, Nga đang làm ăn trên một thị trường lớn nhất thế giới nhưng đây là một quốc gia có chế độ chính trị khác biệt.

Ở Trung Quốc, các công ty quốc doanh chiếm ưu thế trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của chính sách nhà nước, họ có thể giữ lập trường không gì lay chuyển, vì không có cổ đông tư nhân.

Những vấn đề này cho thấy, Nga không thể phát triển quan hệ một cách thiên lệch với Trung Quốc.

Sự hợp tác bền chặt của Nga với Liên minh châu Âu trong thời gian qua đã cho thấy rằng, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, nguồn cung cấp năng lượng tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau và trở thành một yếu tố ổn định, giúp Nga có thể thoát khỏi những cơn khủng hoảng nếu quan hệ với Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-trong-cuoc-doi-dau-trung-my-3418320/