Nga trao cơ hội hay thử thách Thổ ở Idlib?

Thúc giục phiến quân ra khỏi Idlib, Nga tìm cách trói chặt thỏa thuận với Ankara.

Thông tấn TASS của Nga ngày 18/9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, tất cả các nhóm khủng bố được chỉ định ở tỉnh Idlib đến ngày 15/10 phải rời khỏi khu phi quân sự mới được thành lập bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra "tối hậu thư" đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tất cả các nhóm cực đoan, trong đó có cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Jabhat al-Nusra và những nhóm khủng bố có trong danh sách của Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ phải rời khỏi khu vực phi quân sự ở tỉnh Idlib trước ngày 15/10" - Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh tại buổi họp báo hôm 18/9.

Bộ trưởng Shoigu cũng nhấn mạnh, tất cả vũ khí hạng nặng phải được loại bỏ khỏi khu phi quân sự.

"Tối hậu thư" đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố là lời nhắc nhở đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thực hiện nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận mới đạt được hôm 17/9 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Khu vực phi quân sự theo thỏa thuận chung này được lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thay phiên nhau đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Ankara là phải tách lực lượng nổi dậy ra khỏi khủng bố.

Giới quan sát xuất hiện hai luồng ý kiến: Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ sẽ phải giúp Nga tiêu diệt khủng bố để tách với phiến quân nổi dậy hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi thế cực lớn ở Trung Đông khi đạt được thỏa thuận với phiến quân, hiện diện ở Idlib.

Ở kịch bản thứ nhất, ông Aron Lund, chuyên gia về Syria nhận định, nhìn chung thỏa thuận ở Idlib có lợi cho phía Nga hơn.

Bên cạnh việc gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ tách phiến quân ra khỏi khủng bố ở Idlib thì thỏa thuận còn giúp Nga tránh làm tổn hại quan hệ đối tác chiến lược quan trọng của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ và giành được những mục tiêu riêng tại Syria.

“Nga không ưa phe nổi dậy tại Idlib và muốn giúp ông Assad giành được chiến thắng lịch sử, nhưng Nga cũng có những động cơ mạnh mẽ để xây dựng quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ” - vị chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, một cuộc tấn công vào tỉnh Idlib là sự đe dọa nhiều mặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ - về khủng hoảng nhân đạo, ác mộng an ninh với việc hàng chục ngàn tay súng nổi dậy thất thủ.

Nếu đạt thỏa thuận với Nga có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải làm việc nhiều hơn.

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga tại Ankara, ông Timur Akhmetov cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn.

“Thổ Nhĩ Kỳ duy trì cam kết của nước này với tiến trình đàm phán hòa bình về Syria tại Astana và tiếp tục hỗ trợ các vấn đề liên quan. Nước này cũng đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga.

Trên thực tế, Ankara không chỉ gánh trách nhiệm giúp Idlib và phe đối lập khỏi một cuộc giao tranh lớn mà còn chịu nhiều rủi ro khi phải chống lại các nhóm cực đoan” - vị chuyên gia nhận định.

Thỏa thuận Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi cho Syria không?

Kịch bản thứ hai có thể xảy ra là Ankara có thể duy trì vị thế ở Tây Bắc Syria bằng một khu vực giảm căng thẳng chung với Nga - quốc gia bảo trợ cho Syria.

Nhà quan sát Fabrice Balanche tại Viện Chính sách Trung Cận Đông (Mỹ), hiện phe nổi dậy vẫn còn niềm tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi được tình thế. "Trong tâm trí phe nổi dậy vẫn có hy vọng rằng từ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ họ có thể có được một nước cộng hòa ở bắc Syria, dưới sự bảo hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, như Cộng hòa Bắc Cyprus” - vị này nhận định.

Nhữn vùng lãnh thổ được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ khả năng lớn sẽ là điểm đến của các tay súng nổi dậy và dân thường Syria không chịu theo chính phủ.

Trong một bài viết trên báo al-Qabas (Kuwait), chuyên gia Mustafa Ellabbad về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ả Rập cho rằng: “Sau khi chứng tỏ ảnh hưởng của mình ở Syia và Trung Đông, Nga hiện đang muốn kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra xa khỏi phương Tây hơn là đạt được một chiến thắng quân sự trước phe nổi dậy Syria”.

Thỏa thuận này giải quyết một số vấn đề hiện tại của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó thúc đẩy họ tiến đến với nhau vì những lợi ích riêng: Nga mong muốn dừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ Hmeimim của nước này tại Latakia và đề xuất thiết lập vùng phi quân sự có thể giúp nước này đạt được mục tiêu theo cách này hay cách khác. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có nhiều trạm quan sát quân sự tại Idlib muốn trì hoãn cuộc tấn công của chính phủ Syria để giúp nước này có thêm thời gian đối phó với các nhóm cực đoan và ngăn chặn làn sóng tị nạn đổ về khu vực biên giới.

Tuy nhiên, với kịch bản này, các nhà quan sát cũng cho rằng, Idlib là vùng lãnh thổ Syria và tình hình chiến sự ở Syria chi phối phần lớn Trung Đông. Khó có quốc gia nào chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm ảnh hưởng của họ khi chiếm giữ một phần lãnh thổ Syria.

Do đó, một cuộc tấn công từ quân chính phủ cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của Nga gây sức ép với Ankara để duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-trao-co-hoi-hay-thu-thach-tho-o-idlib-3365816/