Nga tranh thủ quảng bá tuyến đường biển Bắc

Tuyến đường biển Bắc có tiềm năng lớn trong việc mở rộng khối lượng vận chuyển hàng hóa thay thế cho Suez.

Bộ Năng lượng Liên bang Nga mới đây công bố một số thông tin giới thiệu về tuyến đường biển Bắc của nước này trong bối cảnh sự tắc nghẽn diễn ra tại kênh đào Suez.

So sánh tuyến đường biển Bắc của Nga (đường máu đỏ) và kênh đào Suez (đường màu xanh).

So sánh tuyến đường biển Bắc của Nga (đường máu đỏ) và kênh đào Suez (đường màu xanh).

Theo tuyên bố của Bộ này, trong bối cảnh khối lượng trao đổi thương mại năng lượng trên thế giới ngày càng tăng cao, việc xuất hiện thêm các tuyến đường ngắn hơn để vận chuyển hàng hóa chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuyến đường biển Bắc có tiềm năng cao trong việc mở rộng khối lượng vận chuyển hàng hóa, giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu thay thế tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez như vừa qua.

Đáng chú ý, thời tiết ấm dần lên và sự đầu tư của Nga cho các tàu vận tải trên tuyến đường biển này đã mở rộng thời gian có thể hoạt động ở vùng biển giáp Bắc Cực.

Khi Nga bắt đầu đề cập đến việc phát triển tuyến hải trình này, có rất nhiều quan điểm cho rằng nó ít khả thi bởi thời tiết và vị trí địa lý khiến mặt biển thường xuyên bị đóng băng, khiến tuyến hàng hải này chỉ có thể được khai thác vào một số tháng ấm nhất định trong năm.

"Tuyến đường biển phía Bắc, tiếp tục được mở rộng và đến năm 2020 thời gian hoạt động đạt đến 9 - 10 tháng, có nhiều tiềm năng khai thác lưu lượng vận chuyển hàng hóa, cho phép giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Theo tuyến đường này sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng, dầu mỏ, cũng như nhiều loại hàng hóa khác" - Bộ Năng lượng Nga cho biết thêm.

Trước đó, liên quan đến vụ tắc nghẽn trên kênh đào Suez xảy ra do tàu Ever Given bị gặp sự cố, Đại sứ của Nga tại Hội đồng Bắc cực, ông Nikolai Korchunov cũng đã tranh thủ để giới thiệu với thế giới tuyến đường biển Bắc của Nga.

Tàu Ever Given mắc kẹt tại Kênh đào Suez.

"Sự cố xảy ra ở kênh đào Suez buộc mọi người phải suy nghĩ về sự cần thiết phải đa dạng hóa các tuyến hàng hải chiến lược khi lưu lượng giao thông đường biển ngày càng tăng" - Đại sứ Nga Korchunov đặt vấn đề trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Interfax.

Theo ông Korchunov, cần phải suy nghĩ về cách quản lý hiệu quả rủi ro giao thông và phát triển các tuyến đường thay thế kênh đào Suez.

"Trước hết và quan trọng nhất là Tuyến đường biển phương Bắc. Sức hấp dẫn của tuyến đường này sẽ tăng lên cả trong ngắn hạn và dài hạn. Không có tuyến hàng hải nào có thể thay thế được nó" - Đại sứ Nga nói thêm.

Trong cuộc phỏng vấn với Interfax, Đại sứ Nga Korchunov đã kêu gọi các nước cùng phát triển hệ thống định vị Bắc cực để thúc đẩy Tuyến đường biển phương Bắc. Trước các ý kiến phản đối cho rằng tuyến hàng hải này sẽ gây hại cho môi trường, ông Korchunov cho rằng sử dụng kênh đào Suez mới gây ô nhiễm nhiều hơn cả.

Ông Korchunov lập luận các tàu đi từ Á sang Âu và ngược lại bằng Tuyến đường biển phương Bắc sẽ tiết kiệm 7-10 ngày so với tàu đi qua kênh đào Suez. Do đó, các tàu trên Tuyến đường biển phương Bắc sẽ ít phát ra khí thải hơn, tạo ra ít tác động nhân tạo hơn những tàu đi qua kênh đào Suez.

Những năm qua, tại Nga đã diễn ra nhiều diễn đàn để quảng bá tuyến hải trình độc nhất vô nhị này. Phó Thủ tướng Nga Makxim Akimov nhấn mạnh rằng, Bắc cực là khu vực hoạt động kinh tế dự đoán được và hiệu quả.

"Tuyến đường biển phía Bắc là chủ đề hoạt động của tất cả các vùng của chúng tôi ở Bắc Cực, của những người sống ở đó. Nga đang định vị mình là một người chơi toàn cầu trong khu vực này. Chúng tôi hiện đang thực hiện kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại đây cho đến năm 2035. Và chúng tôi thấy, tuyến đường biển phía Bắc là một hành lang đa phương thức quan trọng."

Gần đây, Tập đoàn nhà nước Rosatom - nhà điều hành duy nhất của tuyến đường biển Bắc đã chuyển giao một loạt các dự án về cơ sở hạ tầng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển đội tàu phá băng nguyên tử. Trong tương lai gần, Tổng giám đốc của Tập đoàn Nhà nước Rosatom Alexei Likhachev cho biết, 5 tàu mới chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được chế tạo, cũng như một tàu phá băng “Người dẫn đầu”. Một đội tàu như vậy sẽ cho phép vận hành tuyến đường biển phía Bắc quanh năm.

Theo tính toán của Cơ quan vận tải hàng hải và đường thủy Nga Rosmorrechflot, nhằm tăng sức vận chuyển của Tuyến đường biển phía Bắc lên 80 triệu tấn mỗi năm vào năm 2024, theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, Nga sẽ phải đầu tư tới 905,6 tỷ rúp. Trong số này, 305 tỷ phải do nhà nước phân bổ, hơn 600 tỷ còn lại rơi vào nguồn vốn ngoài ngân sách.

Khu vực Bắc Cực giữ một vị trí đặc biệt trong nền kinh tế Nga. Cung cấp khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội và hơn 1/4 hàng xuất khẩu của đất nước này. Tuyến đường biển phía Bắc kết nối các cảng của bờ biển châu Âu với Viễn Đông, có tầm quan trọng đặc biệt. Xây dựng tuyến đường này sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ngoài ra, thời gian vận chuyển khí đốt đến châu Á sẽ giảm từ 36 ngày xuống còn 19 ngày. Đi đôi với việc tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian của các chuyến hàng, chi phí lao động và chi phí vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tự động giảm.

Clip Nga quảng cáo đội tàu hạt nhân vận chuyển trên tuyến đường biển Bắc:

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-tranh-thu-quang-ba-tuyen-duong-bien-bac-3429793/