Nga trả đòn 'Nam Tư' cho NATO?

Nga sẽ đóng vai trò như NATO trong cuộc tấn công chống lại Nam Tư trước đây, khiến Kiev không còn cơ hội kiểm soát tình hình.

Kịch bản không tưởng

Vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ngày 25/11 được giới phân tích đánh giá theo những chiều hướng khác nhau. Trong khi có ý kiến cho rằng hai bên sẽ không làm gia tăng căng thẳng thêm nữa thì cũng có phân tích nhận định Nga sẽ tận dụng tình hình để đạt được mục tiêu.

Chuyên gia quân sự Nga Ilya Kramnik đánh giá thấp khả năng Nga sẽ tìm cách “chiếm đóng” hoặc hậu thuẫn một nhân vật quyền lực ở Kiev. Thay vào đó, chuyên gia này đưa ra kịch bản một chiến dịch không kích nếu xảy ra chiến tranh. Với kịch bản này, theo chuyên gia Kramnik, Nga sẽ đóng vai trò như NATO trong cuộc tấn công chống lại Nam Tư trước đây.

Hành động như vậy sẽ khiến Kiev không còn cơ hội kiểm soát tình hình ở những khu vực có thể giành quyền tự trị lớn hơn, trong đó bao gồm khả năng các khu vực này sẽ tương tác trực tiếp với Nga.

Không quân Nga tích lũy được những kinh nghiệm vô giá ở Syria

Theo chuyên gia này, Nga thường không che giấu những ưu tiên mà nước này tuyên bố chính thức, trong đó có việc duy trì chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, “không bao gồm bán đảo Crimea và Sevastopol”.

Bên cạnh đó, Nga cũng muốn nhìn thấy “sức mạnh chính trị” của các khu vực ở Ukraine được tăng cường, “trong đó có việc công nhận các chính sách sắc tộc và ngôn ngữ cũng như các mối quan hệ kinh tế”.

Xuất phát từ lý lẽ trên, chuyên gia này cho rằng Nga sẽ không muốn có xung đột nhưng cũng cần thông qua một chiến lược nhằm ngăn chặn Kiev sử dụng vũ lực đối với các khu vực đòi độc lập.

Khi đó, Nga có thể đóng vai trò như NATO đối với Nam Tư trước đây. Nga sẽ tìm cách hạn chế khả năng di chuyển của các lực lượng Ukraine và không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng không quân.

Chuyên gia Kramnik cho rằng các lực lượng Ukraine không có đủ nguồn lực ngăn chặn hiệu quả một biện pháp tiếp cận như vậy, đặc biệt sau 2 hoặc 3 ngày của chiến dịch quân sự. Nga có thể phá hủy các căn cứ không quân của Ukraine và sau đó chuyển sang tập trung vào những đơn vị quân đội Kiev đang cố gắng đánh chiếm các khu vực đòi độc lập.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine

Nếu Moscow cần đến các lực lượng bộ binh, theo ông Kramnik, nước này có thể sử dụng các lực lượng “hiện có” tại Donbass, thay vì triển khai các lực lượng mới. Số phận của Ukraine trong trường hợp này là hoàn toàn mờ mịt: với năng lực quân sự hạn chế, Kiev sẽ nhanh chóng mất đi sức mạnh chính trị của mình.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, tình hình có thể thay đổi nếu Ukraine nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây và đặc biệt là các lực lượng phương Tây.

Nga nên lo?

Trong khi đó, nhận định về việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đệ trình Quốc hội dự luật về chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa nước này với Nga, giới phân tích đã cảnh báo về hậu quả của hành động này đối với tình hình trong nước của Ukraine cũng như trên cả không gian hậu Xôviết.

Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 1/4/2019 và thực chất đã không còn hoạt động sau khi Ukraine thông báo với Nga rằng sẽ không gia hạn.

Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevych cho rằng mục đích của Ukraine là làm sâu sắc thêm tâm trạng hoảng sợ trong xã hội Ukraine, qua đó tăng cơ hội cho Tổng thống đương nhiệm trong cuộc bầu cử vào năm tới khi tỷ lệ ủng hộ ông đang ở mức thấp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-tra-don-nam-tu-cho-nato-3370484/