Nga: Tối hậu thư của Iran về JCPOA chỉ là 'biện pháp ngoại giao'

Ngày 8/5, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng, thông báo chính thức của Iran về việc đình chỉ một số cam kết theo JCPOA có thể được xem là một biện pháp ngoại giao, không phải là việc rút khỏi thỏa thuận này.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận này là hiện hữu.

Trên mạng xã hội Facebook, ông Kosachev đã đăng dòng trạng thái: "Thông báo của Iran gửi cho các đại sứ của Đức, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Nga về việc ngừng thực hiện một số nghĩa vụ của nước này theo cái gọi là thỏa thuận hạt nhân không phải là việc rút khỏi thỏa thuận mà đúng hơn là một biện pháp ngoại giao. Theo như tôi hiểu, việc không tuân thủ các cam kết về việc hạn chế làm giàu urani và nước nặng dự trữ không trực tiếp gây ra hậu quả đáng kể, nhưng việc cam kết khôi phục việc nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân nước nặng ở Arak - vốn có thể được sử dụng để phát triển vũ khí mức độ plutoni - có thể đã dẫn tới việc phá vỡ thỏa thuận".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev (Nguồn: Reuters)

Theo quan điểm của ông Kosachev, quyết định của Tehran trong việc ngừng một số nghĩa vụ là "hậu quả trực tiếp từ việc Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được ký kết hồi năm 2015".

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đã nhấn mạnh, lý do mà Iran ngừng thực thi một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là vì sức ép từ bên ngoài, mà theo Moscow chính là do Mỹ gây ra.

(theo Tass)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-toi-hau-thu-cua-iran-ve-jcpoa-chi-la-bien-phap-ngoai-giao-93792.html