Nga tin Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, nhưng đồng minh NATO sẽ không làm vậy

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nhiều khả năng Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vốn cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trên không trên lãnh thổ nước khác. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Mỹ cần cân nhắc thận trọng về những thiệt hại liên quan đến quyết định này.

 “Các chuyên gia theo dõi chặt chẽ về tiến trình này tin rằng Mỹ đã đưa ra quyết định rút khỏi hiệp ước”, hãng tin Nga Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 21-4-2020 cho biết.

“Các chuyên gia theo dõi chặt chẽ về tiến trình này tin rằng Mỹ đã đưa ra quyết định rút khỏi hiệp ước”, hãng tin Nga Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 21-4-2020 cho biết.

Ông Lavrov cho biết, Matxcơva sẽ xem xét mục tiêu của quyết định này trước khi đưa ra phản ứng của chính mình.

“Tôi không nghĩ rằng các nước thành viên NATO khác sẽ làm theo Mỹ. Với tôi, người châu Âu hiểu rằng Hiệp ước Bầu trời mở là công cụ xây dựng lòng tin, dự đoán, tính minh bạch và chúng tôi cũng đánh giá như vậy”, Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào ngày 24-3-1992 với sự tham gia của Mỹ, Canada và 22 quốc gia châu Âu. Nó có hiệu lực vào ngày 1-1-2002. Hiệp ước có 34 thành viên (thành viên thứ 35 là Kyrgyzstan, đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn)

Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên tham gia vào các chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, hải đảo và vùng lãnh hải) để tăng tính minh bạch về quân sự của nhau

Mỗi quốc gia thành viên được phép thực hiện một số lượng cụ thể chuyến bay giám sát và nước đối tác phải chấp nhận số chuyến bay giám sát nhất định trên lãnh thổ của họ.

Hiệp ước Bầu trời mở yêu cầu các quốc gia muốn bay giám sát phải thông báo trước cho nước chủ nhà về kế hoạch của mình và cho phép nhân viên của nước sở tại được lên máy bay cùng.

Lý do khiến Mỹ từ bỏ Hiệp ước Bầu trời mở được cho là cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, đồng thời chi phí tân trang máy bay trinh sát OC-135B cũng không hề nhỏ

Mỹ từng cho rằng Nga không thực hiện đúng quy định khi năm 2014, Matxcova hạn chế các chuyến bay trên một số khu vực nhạy cảm nhất định như khu vực Kaliningrad hay dọc biên giới với Gruzia.

3 năm sau, Washington đã ngăn không cho các chuyến bay giám sát của Nga bay qua Hawaii, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương cũng như khu vực phòng thủ tên lửa ở Alaska.

Tháng 10-2019, một số nghị sĩ Mỹ đã đề nghị Mỹ rời khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vì số tiền dùng lãng phí cho chương trình này lên tới hàng triệu USD nên dành để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho quân đội Mỹ

Cũng trong tháng 10-2019, truyền thông Mỹ tiết lộ, Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ để rời khỏi hiệp ước, nhưng vẫn chưa công bố chính thức quá trình rút khỏi này, và theo quy định là kéo dài 6 tháng.

Nếu đúng như vậy, Hiệp ước Bầu trời mở là thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhất mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm tới.

Năm ngoái, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 với Nga, mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang không có kiểm soát, như nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, theo phân tích của Tiến sĩ Anna Péczeli tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Toàn cầu (CGSR) tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore của Mỹ đăng trên trang Bulletin, có một số lý do Mỹ cần xem xét để giữ lại Hiệp ước này.

Hiệp ước Bầu trời mở thực sự giúp Mỹ giám sát các hoạt động quân sự của Nga. Ngày nay, việc tiếp cận không phận và các cơ sở quân sự của Nga tiếp tục là một công cụ quan trọng để Mỹ theo dõi và hạn chế sự xâm nhập của Matxcơva vào không gian hậu Xô Viết.

Đây cũng là hiệp ước rất quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh châu Âu. Hiệp ước Bầu trời mở cung cấp cho các quốc gia châu Âu nhỏ yếu về vệ tinh có khả năng giám sát các nước láng giềng hùng mạnh của họ, đặc biệt là Nga.

Hiệp ước cũng có giá trị thực sự trong thu thập thông tin tình báo, đối với bản thân nước Mỹ cũng như khía cạnh chia sẻ giữa các quốc gia thành viên

Cuối cùng, nếu rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong tương lai với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên hay Nga, tất cả các ưu tiên mà Tổng thống Trump đã nêu, sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hải Yến (Theo RT/Bulletin)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nga-tin-my-da-quyet-dinh-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo-nhung-dong-minh-nato-se-khong-lam-vay/851455.antd