Nga tìm cách 'phi USD hóa' nền kinh tế

Chính phủ Nga đang xem xét các biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng dollar Mỹ (USD), bao gồm việc khuyến khích giao dịch đồng tiền quốc gia.

Nga muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng USD. Ảnh: RT.

Một dự thảo kèm theo đề nghị của Andrei Kostin, lãnh đạo VTB, ngân hàng thương mại hàng đầu của Nga, sẽ được trình lên bàn thủ tướng Dmitry Medvedev trong vòng một vài tuần tới, Sputnik trích một số nguồn tin cho hay.

“Cùng với đó, chính phủ, các cơ quan kinh tế và tài chính, đang thảo luận vấn đề giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ, thiết kế cách biện pháp khuyến khích và cơ chế nhằm hướng các giao dịch thương mại ưu tiên đồng tiền quốc gia”, thông cáo báo chí của chính phủ Nga viết.

Trước đó, báo mạng Tiếng chuông (Nga) đưa tin rằng chính phủ Nga đang xây dựng một dự thảo luật nhằm “giải phóng” hoàn toàn đất nước khỏi tầm ảnh hưởng của đồng USD.

Kế hoạch của chính phủ Nga không hạn chế hay cấm giao dịch bằng USD. Mục tiêu chính của điện Kremlin là đơn giản hóa các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ, tăng cường kiểm soát tỷ giá hối đoái, tạo cơ chế thuận lợi nhằm hỗ trợ thanh toán với bất cứ loại tiền tệ nào, loại bỏ những chi phí không cần thiết.

Trước đó, ông Andrei Kostin đã trình bày một kế hoạch với bốn nhiệm vụ ưu tiên nhằm đưa nước Nga thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, theo Sputnik.

Các đề nghị của ông Kostin nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính Nga. Tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 7, ông Kostin đã đề nghị ông Putin ủng hộ các đề xuất của ngân hàng VTB với mục tiêu phi dollar hóa nền kinh tế, giảm giao dịch thông qua các định chế tài chính nước ngoài.

Theo đề xuất của ông Andrey Kostin, Nga sẽ giảm dần giao dịch bằng USD. Một loạt các lĩnh vực mua bán với nước ngoài, bao gồm cả lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, sẽ chuyển qua giao dịch bằng đồng ruble. Kế hoạch này sẽ phát huy hiệu quả tối đa sau ít nhất là 5 năm thực hiện.

Đề xuất của ông Kostin được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Tiến trình “phi USD hóa” sẽ diễn ra từ từ. Các giao dịch thương mại quốc tế sẽ chuyển dần qua dùng đồng ruble, ví dụ như giao dịch trong khối Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm 5 nước từng trong Liên Xô bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan) trong một số lĩnh vực, ví dụ xuất khẩu vũ khí.

“Đây là kế hoạch dài hơi… Tôi nghĩ phải mất ít nhất 5 năm”, ông Kostin nói.

Khi được hỏi rằng liệu ông Putin có ủng hộ đề nghị phi USD hóa nền kinh tế Nga hay không, ông chủ VTB trả lời: “Về tổng thể, câu trả lời là “có”".

Một trong những biện pháp ưu tiên của ông Kostin là tăng cường các giao dịch thương mại với nước ngoài sử dụng các đồng tiền không phải USD, ví dụ euro, nhân dân tệ hay ruble.

Không chỉ nỗ lực một mình, kế hoạch “phi USD hóa” đã nhận được các tín hiệu tích cực từ một số đối tác. Sputnik cho hay Ấn Độ đã bày tỏ hy vọng về một cơ chế sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch với Nga càng sớm càng tốt trước chuyến thăm của tổng thống Nga Putin tới Ấn Độ sắp tới. Bên lề Diễn đàn Kinh tế Viễn đông (EEF) vừa được tổ chức ở Valdivostok (Nga), bộ trưởng Công thương Ấn Độ Suresh Prabhu nói ông đã đưa ra những đề nghị cụ thể đối với giới chức Nga trong các chuyến thăm trước đó. Ông hy vọng trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 10 này, tổng thống Putin sẽ xúc tiến các bước tiếp theo.

Ông Prabhu nói có thể Nga và Ấn Độ sẽ dùng đồng ruble và rupee trong các liên doanh giữa đôi bên, ví dụ các dự án khai thác vàng và kim cương ở Nga.

Không chỉ Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xem xét viễn cảnh này. Tháng 9 vừa qua, thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnaser Hemmati đã thảo luận về khả năng thay thế đồng USD bằng các đồng nội tệ với đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong hội nghị thượng đỉnh ba bên về vấn đề Syria.

Theo hãng thông tấn Iran ILNA, cần phải sử dụng các đồng nội tệ nhằm giảm sự thống trị của USD đối với kinh tế và thương mại của ba nước.

Trước đó, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói nước này đã sẵn sàng từ chối đồng USD trong giao dịch với các đối tác.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nga-tim-cach-phi-usd-hoa-nen-kinh-te-1330296.tpo