Nga tiếp nhận hơn 200 tên lửa đạn đạo trong 6 năm

Trong giai đoạn 2012-2018 quân đội Nga đã tiếp nhận 109 tên lửa đạn đạo liên lục địa và 108 tên lửa đạn đạo lắp đặt trên tàu ngầm, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố trong cuộc họp mở rộng của Ủy ban Duma Quốc gia về quốc phòng.

Theo đó, trong sáu năm, lực lượng Vũ trang Nga đã tiếp nhận 109 tên lửa đạn đạo liên lục địa, 108 tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm, 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Borey, 17 tổ hợp tên lửa ven biển Bal và Bastion.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng được tăng cường 3.712 xe tăng mới và nâng cấp, hơn 1.000 máy bay và trực thăng, 161 tàu nổi, ca-nô và xuồng máy.

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng lưu ý đến việc tái trang bị tổ hợp Yars cho 12 trung đoàn tên lửa; 10 lữ đoàn tên lửa với tổ hợp Iskander, 13 trung đoàn hàng không với chiến đấu cơ MiG-31BM, Su-35S, Su-30SM, Su-34; ba lữ đoàn hàng không quân đội và sáu trung đoàn trực thăng với Ka-52 và Mi-28; 20 trung đoàn tên lửa phòng không với hệ thống tên lửa phòng không S-400; 23 tiểu đoàn tổ hợp Pantsir-S; 17 tiểu đoàn với hệ thống tên lửa Bal và Bastion.

Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra trong bối cảnh Tổng thống nước này, ông Vadimir Putin vừa ký sắc lệnh cho phép Nga ngừng tuân thủ các điều khoản Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn tồn tại hơn 3 thập kỷ qua.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 2 đã tuyên bố đơn phương rút khỏi INF trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 2/2 nếu Matxcơva "không chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước".

INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).

Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới.

ICAN cho rằng cùng với tuyên bố đơn phương rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ châu Âu trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.

Nhiều quốc gia ở lục địa già vì vậy kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả mọi thứ để cứu lấy INF, tránh để cuộc chạy đua vũ trang mới biến châu Âu trở thành trung tâm một cuộc xung đột hạt nhân tiềm năng theo đúng nghĩa đen.

Tùng Dương

Theo Sputniknews

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nga-tiep-nhan-hon-200-ten-lua-dan-dao-trong-6-nam-1387900.tpo