Nga tiến thần tốc về vũ khí tự động hóa

Nga đang thử nghiệm ồ ạt chế độ bay tự động trên hàng chục mẫu chiến đấu cơ, đồng thời cũng thử nghiệm khả năng tự hành của tăng T-14 Armata.

10 mẫu máy bay thử nghiệm bay tự động

Hôm 24/8, Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (OAK) là ông Yuri Slyusar cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57 và một số máy bay chiến đấu khác đang thực hiện chế độ không người lái trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm.

Slyusar nói trên kênh truyền hình Zvezda: “Chúng tôi không đi sâu vào chi tiết, nhưng tôi có thể nói rằng, chúng tôi đang thực sự tìm ra các phương án điều khiển không người lái tại nhiều tổ hợp và tất nhiên, công việc này cũng đang được tiến hành tại tổ hợp Su-57 của chúng tôi”.

Người đứng đầu OAK tiết lộ một thông tin gây sốc là hiện nay đã có hơn 4.000 chuyến bay tự động được thực hiện trên 10 mẫu máy bay khác nhau. “Nhiệm vụ của chúng tôi là bắt đầu giao hàng loạt vì lợi ích của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga” - người đứng đầu OAK nói thêm.

Sukhoi Su-57 (trước đây là PAK FA, tên thử nghiệm là T-50) là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga được thiết kế để tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên mặt nước.

Máy bay cất cánh lần đầu tiên vào năm 2010. Hợp đồng cung cấp 76 máy bay chiến đấu Su-57 cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã được ký kết tại diễn đàn "Army-2019".

Chuyến bay thử nghiệm của Su-57 và S70 Okhotnik (Hunter)

Chuyến bay thử nghiệm của Su-57 và S70 Okhotnik (Hunter)

Hiện tại, các cuộc thử nghiệm của chiếc máy bay này đang được tiến hành, trong đó kiểm tra hoạt động của các hệ thống cũng như chế độ vận hành của động cơ giai đoạn hai. Bộ Quốc phòng đã nhiều lần tuyên bố rằng Su-57 đã trải qua thử nghiệm thành công ở Syria.

Giới thiệu UAV hộ vệ cho Su-57

Tại Diễn đàn Army 2020, Nga cũng lần đầu tiên giới thiệu trước công chúng về Máy bay không người lái Grom (“Thần Sấm”), được thiết kế để yểm trợ cho các chiến đấu cơ Su-35 và Su-57.

Ông Nikolai Dolzhenkov, Tổng công trình sư công ty Kronstadt - nhà máy chế tạo loại máy bay này, nói rằng, tại Diễn đàn Army 2020 chúng tôi sẽ giới thiệu một dự án máy bay không người lái Grom nặng 7 tấn, trọng tải khoảng 500 kg, sẽ hoạt động kết nối với máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57.

Dolzhenkov lưu ý rằng, nhiệm vụ chính của máy bay không người lái là cứu hộ phi công và bảo vệ cho chính máy bay có người lái, bằng cách sử dụng hệ thống vũ khí của mình.

Theo ông, Grom sẽ đảm bảo an toàn cho các máy bay chiến đấu có người lái, phá hủy hệ thống phòng không của đối phương và thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu khác.

Máy bay không người lái trinh sát-tấn công Grom của Nga

Ông Dolzhenkov nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga đã có ý định biên chế loại máy bay không người lái này cho Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS), để bảo vệ các chiến đấu cơ hiện Nga đang sử dụng.

Trước đây, Nga cũng đã giới thiệu một mẫu UAV hộ tống Su-57 là S70 Okhotnik (Hunter), tuy nhiên chiếc máy bay không người lái này dường như thiên về khả năng tấn công nhiều hơn.

Tăng Armata thử nghiệm không người lái

Theo dịch vụ báo chí của công ty phát triển xe tăng hàng đầu của Nga là Uralvagonzavod (UVZ) nói với báo giới hôm 24/8, xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai của Nga là T-14 Armata đã được thử nghiệm ở chế độ không người lái.

Công ty Uralvagonzavod cho biết, các chuyên gia của tập đoàn đang nghiên cứu việc tạo ra các phương tiện chiến đấu kiểu robot tiền tuyến, theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga. Trong quá trình làm việc, xe tăng T-14 Armata đã được thử nghiệm ở chế độ không người lái.

UVZ cũng lưu ý rằng, việc sử dụng phương tiện chiến đấu không người lái hạng nặng là "vấn đề trong tương lai gần".

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tương lai của Nga T-14 Armata

Với thông báo này, UVZ đã xác nhận thông tin mà một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp-quân sự trước đó đã tiết lộ với báo giới về việc Armata đã được thử nghiệm với khả năng tự hành và chiến đấu tự động.

T-14 là xe tăng thế hệ thứ ba [sau chiến tranh] duy nhất trên thế giới. Siêu tăng Armata được thiết kế để tiến hành chiến đấu tiếp xúc trực tiếp, hỗ trợ các đơn vị bộ binh cơ giới, công sự, tiêu diệt nhân lực địch quân trong công sự và trên địa hình trống trải.

Với những thông tin mới nhất này, chúng ta thấy rằng, Nga đang ồ ạt thử nghiệm khả năng tự động hóa của nhiều loại trang bị vũ khí của cả lục quân lẫn không quân, hải quân. Với những bước tiến thần tốc như vây, Nga hứa hẹn sẽ sớm trở thành một cường quốc trong lĩnh vực vũ khí tự động hóa.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-tien-than-toc-ve-vu-khi-tu-dong-hoa-3417816/