Nga thúc đẩy ngoại giao năng lượng, cùng Pakistan tháo gỡ các nút thắt để trở thành đối tác chiến lược của nhau

Trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng giữa Nga và Pakistan gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, Islamabad vẫn không ngừng nỗ lực để đạt được thêm thỏa thuận về dầu và khí đốt với Moscow.

Pakistan mong muốn tăng cường hợp tác, đặc biệt về dầu mỏ và khí đốt với Nga trong thời gian tới. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Pakistan mong muốn tăng cường hợp tác, đặc biệt về dầu mỏ và khí đốt với Nga trong thời gian tới. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 5/12 vừa qua, Bộ trưởng Dầu khí Pakistan Musadik Malik đã tuyên bố rằng nước này hiện đang tiến hành đàm phán mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với các công ty tư nhân của Moscow, đồng thời Islamabad cũng đã liên hệ với các nhà sản xuất LNG Liên bang ở Nga.

Nhiều tiến triển trong đàm phán

Các cuộc đàm phán về dự án đường ống giữa Nga-Pakistan đã có nhiều tiến triển. Về phía Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã đề cập đến việc cung cấp dầu thô của nước này cho Pakistan.

Sau 11 tháng diễn ra xung đột Nga-Ukraine, Moscow đã đưa ra tín hiệu nối lại cung cấp năng lượng cho châu Âu. Trả lời phỏng vấn Hãng tin TASS (Nga) ngày 25/12/2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định, điện Kremlin đang chuẩn bị khôi phục việc cung cấp cho lục địa này thông qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu, đồng thời có thể cung cấp khí đốt dài hạn cho Pakistan và Afghanistan.

Theo ông Novak, trước tình trạng thiếu khí đốt cùng nhu cầu gia tăng của châu Âu, Nga không thể bỏ qua cơ hội nối lại nguồn cung, ví dụ như mở lại đường ống Yamal-châu Âu đã bị dừng vì lý do chính trị trong thời gian qua. Với kỳ vọng có thể mở vòi nguồn cung trở lại trong mùa Đông này, Nga đang cố gắng để châu Âu giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Moscow.

Khi tham gia vào xung đột, các bên liên quan đều sẽ chịu thiệt hại về mặt kinh tế dù có chiếm được ưu thế hay không. Vì vậy, dễ hiểu khi thấy Nga mong chờ nối lại nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ, cũng như tìm kiếm thêm những cơ hội mới ở phương Đông, song song với đáp ứng nhu cầu của phương Tây. Trong quan hệ với Pakistan, các lợi ích của Nga được đánh giá là đều hội tụ đủ.

Tháo gỡ các vướng mắc

Do khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao, Pakistan đang tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn và dễ tiếp cận để quản lý việc cung cấp dầu và khí đốt cho người tiêu dùng địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Moscow kêu gọi Pakistan trước tiên tôn trọng cam kết đối với Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Pakistan (PSGP)-dự án chính sẽ được xây dựng từ Karachi đến Lahore.

Dự án khí đốt Dòng chảy Pakistan, hay còn gọi là Đường ống dẫn khí đốt Bắc-Nam, là một đường ống quan trọng của Pakistan, đã bị trì hoãn từ lâu. Để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Karachi trên bờ biển Arab đến các nhà máy điện ở bang Punjab phía Đông Bắc, hai bang đã quyết định xây dựng một đường ống dài 1.100 km (683 dặm) vào năm 2015, với sự hợp tác của các công ty Nga.

Hai dự án quan trọng-Dự án khí đốt Dòng chảy Pakistan và Đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Iran do Pakistan và Nga thực hiện, đã gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Sau vài năm được đưa vào hoạt động, hai dự án trên đã bị đình trệ do sự phản đối của Mỹ.

Đường ống ban đầu được Nga xây dựa trên mô hình: xây dựng, sở hữu, vận hành và chuyển giao (BOOT). Theo đề xuất này, Moscow sẽ tài trợ 85% cho dự án và bàn giao lại cho Inter State Gas Systems (ISGS) của Pakistan sau 25 năm.

Công ty RT Global (Nga) cùng ISGS (Pakistan) đã cùng nhau hợp tác để đưa sáng kiến thành hiện thực. Không lâu sau khi cả hai quốc gia quyết định xúc tiến liên doanh, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với RT Global.

Sau đó, Nga đã lựa chọn một số công ty để bắt đầu xây dựng dự án, song vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào cho đến nay. Khuôn khổ của dự án đường ống dẫn khí đốt đã bị thay đổi dưới thời cầm quyền của Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI). Theo đó, hai quốc gia đã ký thỏa thuận nhất trí công ty Pakistan có 76% cổ phần và Nga 24% còn lại.

Ngoài PGSP, Gazprom và Công ty TNHH Phát triển Dầu khí Pakistan (OGDCL) ký kết một thỏa thuận hợp tác khác vào năm 2017. Theo thỏa thuận, Pakistan và Nga đã đồng ý xem xét khả năng cung cấp khí đốt, cũng như xây dựng các dự án hydrocarbon tại Islamabad và các quốc gia khác.

Gazprom và đối tác Pakistan đã ký kết một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD vào năm 2018 để tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng một đường ống dẫn dầu ngoài khơi giữa Iran và Pakistan. Năm 2019, Nga cam kết đầu tư lên đến 14 tỷ USD cho Dự án Đường ống Bắc-Nam và các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm ở Pakistan.

Bên cạnh đó, có thể thấy một số các tác nhân khác chi phối những quyết định hợp tác giữa hai nước. Đó là, hiện nay, Pakistan nhận được một lượng dầu đáng kể, đặc biệt là sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Kuwait và dầu thô từ Saudi Arabia. Qatar kiểm soát thị trường khí đốt ở Pakistan, trong khi Saudi Arabia và Kuwait thống trị thị trường dầu mỏ ở quốc gia này.

Theo các nhà chức trách, Pakistan và Nga có thể sẽ có một thỏa thuận năng lượng giúp “tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia” trong bối cảnh Moscow dự định soạn thảo sắc lệnh của tổng thống cấm các thương nhân và tập đoàn Nga bán dầu cho những nước tham gia vào hệ thống nhằm hạn chế giá dầu của Nga. Như vậy, Pakistan sẽ không thể giao dịch dầu mỏ với Nga nếu Islamabad trông chờ vào việc nhận được Giấy chứng nhận Không phản đối (NOC) từ Mỹ.

Nga và Pakistan hiện đang đàm phán thêm một thỏa thuận thương mại dầu khí, vào thời điểm các dự án năng lượng giữa hai quốc gia bị đình trệ do xung đột ở Ukraine. Cuộc đàm phán cũng sẽ có sự tham gia của các nước như Mỹ, Saudi Arabia, Kuwait và Qatar.

(theo Pakistan Today)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-thuc-day-ngoai-giao-nang-luong-cung-pakistan-thao-go-cac-nut-that-de-tro-thanh-doi-tac-chien-luoc-cua-nhau-213871.html