Nga thừa nhận có yếu tố hạt nhân trong vụ nổ

Các nhân viên trong ngành hạt nhân đã bị thổi vay xuống biển sau vụ nổ thử nghiệm tên lửa.

The Moscow Times ngày 10/8 cho biết, Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom lần đầu thừa nhận có yếu tố hạt nhân liên quan đến vụ nổ thử động cơ tên lửa khiến 5 chuyên gia quân sự Nga thiệt mạng và 3 công nhân khác bị thương.

Vụ nổ khiến các nhân viên hạt nhân Nga bị thổi bay xuống biển.

Vụ nổ khiến các nhân viên hạt nhân Nga bị thổi bay xuống biển.

Rosatom cho biết, 5 người thiệt mạng trong vụ nổ là các chuyên gia quân sự. Vụ tai nạn có liên quan đến thử nghiệm “nguồn năng lượng đồng vị hạt nhân” cho một động cơ tên lửa.

Tập đoàn này tiết lộ, lực đẩy từ vụ nổ đã thổi bay một số nhân viên của họ từ khu vực thử nghiệm xuống biển. Điều này đã mang tới hy vọng họ có thể còn sống.

"Các cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục miễn là có hy vọng tìm thấy những người sống sót" - hãng tin Interfax dẫn thông báo từ Rosatom vào ngày 10/8 cho biết.

Vùng nước tại đây đóng băng trong cả mùa hè nhưng các nỗ lực tìm kiếm kéo dài cả ngày đã khiến hy vọng tìm thấy các nạn nhân trở nên mờ nhạt.

Trong các tuyên bố sau đó, Rosatom khẳng định đã có 5 chuyên gia quân sự và dân sự của họ thiệt mạng. 3 người khác vẫn bị bỏng nặng.

Trước đó, Rosatom khẳng định 6 người bị thương và 2 người thiệt mạng từ vụ nổ. Chưa cơ quan nào xác nhận 2 người được thông báo thiệt mạng trước đó có nằm trong số 5 nhân viên của Rosatom hay không.

Hiện không có thêm thông tin chi tiết về tên lửa hoặc loại nhiên liệu đã được thử nghiệm. Rosatom cho biết nhân viên của họ hỗ trợ về kỹ thuật về năng lượng cho tên lửa được thử nghiệm.

Rosatom cũng cho biết họ chỉ công bố số người chết sau khi xác nhận không còn hi vọng sống đối với những nhân viên mất tích vì bị thổi bay xuống biển.

Tập đoàn Rosatom cũng khẳng định, sự gia tăng bức xạ nền trong khu vực thử nghiệm đã tăng lên nhưng sớm trở lại bình thường.

Thông báo từ Thành phố Severodvinsk, cách điểm thử nghiệm Nyonoksa 47km về phía đông, ngày 8/8 cho thấy, mức phóng xạ có tăng vọt lên 0,11 microsievert một giờ trong khi mức đo trước đó là 0,6.

Báo cáo cho biết mức độ này đã tăng trong khoảng nửa giờ và mức đo trung bình hàng ngày không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông báo được gỡ xuống vào ngày thứ 9/8.

Nhưng sau đó, Rosatom khẳng định ngay cả nước láng giềng Phần Lan cũng không ghi nhận sự sai lệch trong việc đo mức độ phóng xạ từ sự cố thử nghiệm nói trên, cho thấy không có gì mâu thuẫn hay bất nhất trong các báo cáo về mức độ phóng xạ ở địa phương.

Bộ Quốc phòng Nga cũng bác bỏ các thuyết âm mưu cho rằng, vụ thử nghiệm được tiến hành bên trong một con tàu chứa nhiều chất thải phóng xạ.

Thông tin này có thể chưa làm hài lòng các chuyên gia người Mỹ vốn cho rằng vụ thử nghiệm lần này có thể liên quan đến một loại tên lửa hành trình hạt nhân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến trong Thông điệp liên bang năm 2018, mô tả đó là một siêu tên lửa mà chưa một quốc gia nào trên thế giới có thể sở hữu.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-thua-nhan-co-yeu-to-hat-nhan-trong-vu-no-3385444/